Bà vợ đi ăn cưới về càm ràm với chồng đủ chuyện cho dù tiệc cưới ấy ông không tham dự. Hết than phiền một bà bạn tích cực quá cứ luôn tay gắp món ăn (mà bà ta nghĩ là ngon) cho bạn mà không biết bạn thích hay không, đến chuyện có quy định không hút thuốc trong phòng tiệc thế mà ông ngồi bên cạnh cứ chốc chốc lại châm điếu thuốc. Tiếp theo là chuyện vào tiệc rồi, đồ ăn thức uống dang dở, lem nhem vậy mà các bà cứ thích chụp hình; chụp xong lại khoe phây ngay, chốc chốc kiểm tra phây, rồi bàn tán trong khi nhạc nhẽo ầm ĩ, chẳng ai nghe được gì…
Ông chồng nhìn vợ. Hôm nay bà này sao thế nhỉ. Mọi khi bà vẫn thích đưa hình lên phây, từ cà phê vỉa hè cho đến nhà hàng sang trọng, chốc chốc lại đếm like, cười toe toét. Chờ vợ xả hết bực dọc, ông chồng mới hỏi han, hóa ra chuyện cốt lõi để vợ càm ràm là bà ấy dị ứng với cách cứ gắp thức ăn cho nhau. Cái sảy nảy cái ung nên bà càng thêm khó chịu đủ điều. Bà cho rằng gắp mời nhau như vậy chẳng vệ sinh chút nào. Có người trở đầu đũa, có người không. Căng hơn là cảm giác ớn: liệu người gắp bằng đôi đũa ấy có bệnh gì không? Lớn tuổi rồi, ai chả đầy bệnh trong người.
Nghe qua ông chồng mới bảo, thế là lịch sự chán, ở bàn nhậu dân nhậu còn uống chung một ly. Chưa hết, mỗi lần cạn ly lại bắt tay bắt chân. Bắt gì mà lắm thế. Lúc này bà vợ mới chợt lóe ra ý tưởng: tại sao người ta không để một cái gắp cạnh các đĩa thức ăn nhỉ. Nhiều mâm cơm tập thể, mấy người ăn chung một tô canh, ai nấy cứ khoắng đũa vào, thật chẳng văn minh. Đám giỗ đám tiệc cũng vậy, một nồi lẩu cứ thế mà đũa cùng khua vào gắp. Chỉ các nhà hàng sang trọng, có người phục vụ mỗi bàn, thức ăn đưa ra được họ chia hết. Vừa không để thừa thức ăn mà lại vệ sinh, khỏi ai gắp mời ai.
- Xem thêm: Thái độ… ăn…
Ông chồng mới thủng thỉnh bảo, thế thì bà tập dần thói quen trong nhà mình đi. Cứ mỗi món ăn bên cạnh có cái gắp. Từ trong nhà mới ra ngoài ngõ. Hoặc theo kiểu người Hàn, ăn bằng muỗng và gắp bằng đũa. Mỗi người một chén canh, nước chấm riêng, cấm tiệt cái vụ nhúng đũa vào tô canh. Rồi chồng gợi ý, chần chừ gì nữa, mai ra siêu thị kiếm xem mua chục cái gắp thật đẹp về. Không chỉ tập thói quen mà vật dụng mới, đẹp cũng tạo cảm giác thích thú khi ngồi vào bàn ăn để sẽ thành một thói quen tốt.
Như vậy, vấn đề là thói quen và cách nhìn văn minh. Cái gắp là chuyện nhỏ, nhưng từ một thói quen nhỏ ấy sẽ tạo nếp cho con cái. Lần đầu tiên vợ chồng nhà này đồng quan điểm nhanh đến vậy. Cậu con trai ngồi gần đấy góp đùa một câu, rằng mỗi khi đi ăn tiệc con phải đem theo cái gắp. Cô con gái nói ngay, anh dùng cái gắp mà người khác vẫn cứ dùng đũa gắp món ăn chung thì cũng thế thôi. Vấn đề là sự chuyển động của cả guồng máy chứ không phải một bộ phận riêng lẻ.