Cứ tưởng nhà tôi sẽ không ai yêu văn nghệ nổi, vì quanh năm hầu như bị “tra tấn” bởi những chương trình ca nhạc lặp đi lặp lại.
Chẳng là chúng tôi sống cạnh một tụ điểm ca nhạc. Nhà lại trên tầng cao chung cư nên hứng toàn bộ dàn âm thanh trống phách và các giọng của ca sĩ. Hôm đọc báo chí thấy nói gây tiếng ồn cũng là “phạm tội”, chúng tôi nói: “Cắt ngay bài báo gửi sang cho tụ điểm”. Con trai tôi cười: “Trời ạ, có phải không ai biết đâu. Họ đã “nuôi” từ các ông bà cấp phường cho đến cấp quận, sở rồi nên chẳng sợ ai. Có ai ý kiến ý cò gì đâu!”. Rồi nó bình luận: “Cả khu phố nghe nhạc cưỡng bức, người già, người bệnh, em bé, cứ nghe loa phóng thanh hết cỡ, ngày nào cũng đến 11 giờ đêm, có lúc gió to nghe muốn bục màng nhĩ mà chẳng ai dám có ý kiến gì”.
Bất mãn vậy nhưng cả nhà tôi quen dần. Đến nỗi tôi còn được các cô ở cơ quan khen: “Anh làm giám đốc bận bù đầu vậy mà xì-tin ghê. Giọng ca nào anh cũng biết. Hễ mở nhạc thấy ca sĩ hát rock bài nắng lên rồi… kéo lưới một cái là anh nói: giọng Anh Khoa khàn khàn dữ dội. Đến cái bài khác, anh nói: Mỹ Tâm. Rồi Cao Thái Sơn. Thỉnh thoảng lại hỏi nhóm hài Thúy Nga lâu nay đi đâu không thấy cái giọng rao bán khoai nữa nhỉ”.
- Xem thêm: Mê cháu
Đâu phải chỉ ở công sở! Ở nhà nghe nhạc quanh năm nên hay bàn đề tài ca sĩ. Tôi thì dị ứng với Mr. Đàm, nói với bà xã: “Sao em có thể thích nghe giọng ca như thế nhỉ! Anh hỏi em, anh ta có bài nào nổi tiếng đáng nhớ nào?”. Cô ấy trả lời: “Không có một bài nổi tiếng đáng nhớ, mà là toàn bộ sự nghiệp, phong cách của anh ta đáng nhớ. Em thích không phải vì anh ta hát hay hơn tất cả, mà là anh ta hát tình tứ đắm đuối, con người thì nghệ sĩ nhất, có phong cách riêng nhất, biết phát triển sự nghiệp mình lúc nào cũng ở đỉnh cao, có chiến lược, được yêu mến, làm từ thiện rất… ác chiến…”.
Thôi thì đủ các chi tiết. Tôi nói: “Cái tai anh khổ nhất là các đêm Mr. Đàm. Nhạc thật kinh khủng, loa vặn hết cỡ thâu đêm. Cô ấy lập tức tấn công tôi: “Còn hơn ca sĩ T của anh! Thần tượng đã hết thời mà cứ xuất hiện mãi. Cô ta đứt giọng nên không gào lên được. Hễ cái đoạn nào lên cao là người nghe phải nín thở vì sợ… đứt”. Tôi nói: “Thì ca sĩ họ biết làm gì để có thu nhập cao như đi hát. Vậy nên hết thời mà vẫn phải cố”. Mà sao các bầu sô, khán giả không có thái độ gì. Hay vỗ tay mời xuống khi đang hát! Bà xã tôi thở dài: “Ăn mày dĩ vãng! Đúng là vậy, không phải ca sĩ mà đến cả báo chí cũng nhiều tờ ăn mày dĩ vãng của ngày xưa!”.
Có gì lạ đâu. Dân chúng thì hồn nhiên, tiêu dùng theo thói quen, như bà cô tôi đó. Bây giờ bánh cuốn thiếu gì, vậy mà cô ấy vẫn phải lên xe chạy rất xa đến tiệm quen mua về, thật cầu kỳ. Bún bò hay phở cũng vậy. Cho đến việc nghe hát, “mê đào” cũng khó mà lý giải nổi tại sao. Thế cho nên trong các cuộc thi hát, luôn phải có một giải cho khán giả bình chọn, thường đối chọi với điểm chấm của Hội đồng nghệ thuật chuyên môn, chấm dựa theo kỹ thuật nghề nghiệp. Dân chúng thích là thích, đôi khi chỉ vì xinh đẹp chứ hát thì chẳng hơn ai. Đến cái cô Uyên Linh của Vietnam Idol mới có sự xích lại gần nhau giữa chuyên môn và khán giả.
- Xem thêm: “Trốn” vào cái máy vi tính
Bà xã tôi lại nổi máu “mê đào” (cô ấy rất rành các ca sĩ, chẳng kém đám fan xì-tin). Cô ấy bình luận: “Cô ca sĩ này chưa phải có giọng hay nhất, nhưng giọng dày và biết cảm nghệ thuật, động đến trái tim”. Vậy trái tim người nghe đi đâu cả trước các chương trình tân kỳ hoành tráng của sân khấu hằng ngày? Thì ăn mặc đẹp, nhảy nhót đèn nhấp nháy xanh đỏ đấy, nhưng cứ ở đâu đâu chứ không vào được tim người. Đó là một dấu hiệu của cơn đói các giá trị thật. Xã hội đang đói giá trị nên chỉ “một miếng thật Uyên Linh” là thấy đã, “muốn ăn”!
Chuyện nhà tôi “mê đào”, yêu ca nhạc bắt đầu từ việc bị cưỡng bức nghe ca nhạc quanh năm ở cái tụ điểm cạnh nhà. Nghe đi nghe lại đến nỗi các cụ già của gia đình tôi có thể thuộc cả bài Lâu đài tình ái hoặc Phút cuối, nhất là mỗi độ tết đến thì các bài ca mùa xuân cứ nở rộ. Buồn cười, cứ như trên tivi chiếu cái cảnh ca sĩ hát bài hát đến điệp khúc thì chìa cái micro cho cả hội trường đồng thanh: “Và em đã biết nói tiếng yêu đầu tiên”… nghe thật ngộ!