“Cứ chê thời bao cấp nữa đi!” – Bà xã tôi lâu lắm mới có dịp phản công. Bây giờ cô ấy thay đổi cả nhà. Trước đây thì ca ngợi “buổi sáng Sài Gòn” tuyệt vời là đầy nhóc các quán cà phê vỉa hè, chỉ cần mấy cái bàn ghế nhựa nép bên một tòa biệt thự, dãy phố, ngõ hẻm là có ngay một chỗ ngồi lý tưởng để ăn sáng bánh mì ốp la, cà phê và đọc báo buổi sáng sớm.
Ăn xong ngồi nhâm nhi, “trao đổi thông tin” với đủ tầng lớp, từ bác xích lô đến anh công chức. Ở cái bàn tròn tự phát này không giống như ở Hà Nội hay bàn chuyện nhân sự, chính trị, mà đây bàn việc xăng tăng giá hoặc đại loại như chị nọ đốt chồng. Bàn tán râm ran xem một mình chị ta thực hiện hay là có đồng phạm.
Rồi nào là “vô lý, chắc phải đánh thuốc mê thế nào đó chứ người thường bị bỏng một cái là vùng dậy kêu cứu chứ ai để cho đốt chết”. Ông khác: “Xăng mà cháy thì ghê lắm, kêu sao kịp?”. Một người tổng kết: “Ai giết thì chưa chắc đã chết, chứ vợ mà chủ tâm giết thì chắc chắn chết thôi. Sao ngờ được mà chống đỡ. Vợ giết là phải chết chắc!”.
Một người tức tối: “Lại còn mấy đứa con bà ta, “Con yêu thương mẹ lắm!” nữa chứ. Sao mà yêu thương cái bà giết chồng ấy được!”. “Ôi trời, bả gây tội thì bả chịu, chứ con cái lâm vào hoạn nạn mất cha nay sắp thấy mẹ ở tù, chúng phải nghĩ vậy mới sống được chứ. Phải nhân đạo với trẻ em!”. “Nhân đạo với các cháu thì cứ giúp đỡ, không ai phản đối, nhưng với kẻ dã man giết người mà không chút phê phán thì phản cảm lắm!”.
- Xem thêm: Những “bà mẹ bao cấp”
Thôi thì cứ tranh luận qua lại, tùm lum ý kiến, khiến một ông nãy giờ ngồi im bỗng phát biểu: “Thành công thật đấy, ước gì có vài vụ cuốn hút dư luận như vậy thì mấy ông lớn mừng lắm đấy. Để quên đi bao chuyện nóng bỏng khác đang bủa vây: giá cả tăng vọt chỉ giúp mấy nhà quản lý chứ chẳng ai giúp xem dân sống thế nào… Các ông chuyên gia, quan chức toàn nói theo kiểu phải chấp nhận mặt bằng giá mới cho bằng thế giới, chẳng ông nào nói trả lương theo mặt bằng thế giới cả”…
Bây giờ bà xã thay đổi cả nhà theo cách sáng sớm cô ấy dậy nấu cơm, cho vào hộp cho những người đi làm đem theo ăn trưa. Tôi hỏi về lời ca ngợi khi xưa “buổi sáng Sài Gòn” đâu rồi, thì cô ấy lại có ngay luận điểm mới. Nào là đem đi ăn trưa đảm bảo thực phẩm sạch, chồng con khỏi chạy xe ra nắng, ăn xong còn nằm nghỉ được một giấc trưa. Cái lợi nhất không thấy nói ra chính là tiết kiệm được một số tiền. Tôi nói: “Em tính toán như vậy thì những người bán hàng ăn sống bằng gì. Phải để cho người ta sống với chứ”. Cô ấy trả lời: “Giá cả tăng, em phải có “chính sách” mới”.
Thế rồi cô ấy kiểm soát đứa con gái: “Tắm gì mà tắm cả tiếng đồng hồ. Người ta ào cái, xát xà bông xong dội nước cho sạch là được, ngày nào cũng tắm, mà chỉ có đến văn phòng ngồi máy lạnh rồi về. Có phải chân lấm tay bùn gì ngoài trời đâu mà tắm mãi không ra, tốn nước lắm”. Đứa con gái càu nhàu nói: “Ngoài đường bụi lắm, người ta bịt bùng khăn không thấy sao”… Các bóng đèn mọi ngày bật sáng trưng, nay cô ấy cũng kiểm tra tắt bớt. Rồi tính sẽ mua thêm bếp điện, dặn dò ninh nấu gì thì nhớ lấy nồi áp suất ra mà nấu. Rồi cô ấy quay ra phê phán… người Việt.
- Xem thêm: Ăn uống… “Tây hóa”
Chẳng là cô ấy vừa mới tham dự một khóa học ở nước ngoài về, thấy người Việt sao mà kỳ quá. Chẳng trách có người phương Tây nói: “Đám châu Á là dân… tự kỷ hết”. Bởi ai làm gì thì làm, họ cứ hành xử theo cách của mình, “thói quen ở quê nhà”. Đến một trường học trên một ngọn núi vào mùa Đông lạnh giá, nước nóng chỉ có giờ, quy định mỗi người có mươi phút tắm. Vậy mà nhìn vào phòng ở của dân Việt mình, thấy họ có vẻ “sạch hơn cả Tây” hở một chút là giặt đồ, tiêu phí bao nhiêu thời gian, công sức.
Trong khi các phòng của dân Tây chỉ thấy phơi đồ lót nhỏ. Người ta dành thì giờ đọc sách, nghiên cứu, còn dân Việt cầu kỳ giặt giũ suốt ngày. “Đúng là dân… tự kỷ!”. Mặc kệ thiên hạ. Ăn buffet cũng chỉ có dân Việt là lấy đồ ăn rồi bỏ thừa. Sang Singapore mà làm vậy, họ đem cân chỗ bỏ thừa đó rồi tính tiền thêm ráng chịu! Vào toillet công cộng nếu các phòng có người, phải xếp hàng chờ, có ai cứ xông lên phía trước, ấy chính là dân… mình!
Không hiểu sao bà xã kể ra lắm tội quá. Cha con tôi không dám cãi. Cứ coi như đó là lỗi của mình. Tôi trộm nghĩ: “Cái thời bão giá này nguy hiểm không chỉ ở chỗ mọi thứ đều đắt đỏ, suốt ngày nghe kêu ca, mà còn là dịp làm các bà… phát điên. Chẳng nói ai được, quay ra chỉnh huấn chồng con, đọc cho nghe không biết bao nhiêu bài lên lớp…”.