Không phải nghe MV Bỏ quê của Phi Nhung và Hồ Văn Cường thì mới biết xa quê thế nào. Mà từ rất xưa đã có “Làng tôi xanh bóng tre…”, “Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh…”. Mà lúc đó nhớ quê khá êm đềm da diết. Còn bỏ quê bây giờ “mẹ dõi theo nước mắt đôi dòng – cha xót dạ buồn đau thương con khờ lạc bến ra sao…”.
Con đâu có khờ! Số liệu đây, thưa cha: Gần 90% gia đình có người đi gửi tiền về nhà. Người ta còn chia bình quân ra người đi gửi về mỗi tháng hơn 2 triệu đồng nữa kìa. Người ta còn dự báo đến năm 2019 có đến 6,4% dân số bỏ quê lên phố. Mà bây giờ không chỉ lên phố đâu cha. Mở tivi thấy động đất, đảo chính mãi đâu bên Trung Đông, châu Phi, Chính phủ phải lập cầu hàng không đưa người Việt về nước. Đến cái tai nạn hy hữu Bắc cực hay bị cướp biển Caribê mà cũng vẫn có người Việt đó, thưa cha!
Mà không chỉ người Việt. Báo đưa tin: Hàng ngàn người giàu Pháp rời bỏ quê hương, chẳng ai nói ra chính cái lý do là để… tránh thuế cao quá, lên tới 71% cơ đó. Rồi hàng ngàn triệu phú châu Âu khăn gói đến Úc, Israel tránh căng thẳng tôn giáo và kinh tế ì ạch.
Thôi thì bây giờ, làng quê chỉ còn ông bà già và trẻ nhỏ, ông bà nuôi cháu cho các con đi “chiến đấu”. Cho dù là cũng có một con số đáng sợ: 70% bỏ quê lên phố là người nghèo, không có chuyên môn, thiếu việc làm. Thì vậy mới gọi là chiến đấu, đâu có dễ ăn. Lay lắt xứ người, lội tuyết ra ga tàu điện đi làm, còn đầy ra kia. Lo thấp thỏm “cơn điên của tổng thống” đuổi về nước. Cái nào khổ hơn, ai biết được?
Nhưng mà nỗi nhớ quê thì không ai ngăn cản được. “Xin cho một lần nghe lại – Tiếng chim kêu trên hàng dậu sau vườn…”. Kiểu đại loại vậy. Trên sân thượng, mái nhà, balcon nhỏ xíu chung cư cũng le lói chút xanh. Có bông hoa nào nở, cây mướp nào cho trái là lên “Phây” ngay, lời đề: Tin không thì tùy – hôm nay các em đã ra hoa kết trái lành… Bao người “còm” nhao nhao, quý quá, hơn vàng, tuyệt vời, cho em với… Trong khi ngoài chợ, ngõ hẻm, bán rao loa pin mở suốt ngày: “Khổ qua hai trái mười lăm ngàn, thanh long hai mươi ngàn một ký…”. Rẻ không gì rẻ hơn. Nhưng mà hãnh diện, mình trồng tức là rau sạch. Chỉ để đổi lấy chữ sạch ấy, người ta đổ ra bao nhiêu tiền của đâu có tiếc.
Nhớ quê nhà êm đềm, nơi chôn cất mẹ cha. Còn hơn dân thành phố, đem hỏa táng rồi rải xuống sông. Trên chung cư cao tầng nhìn mây vần vũ hỏi thầm: Biết cha mẹ giờ ở nơi đâu? Đằng này có quê, về dịp thanh minh, tết, ra làm cỏ, sơn mộ, thắp nhang, trò chuyện với cha mẹ, lại không hơn hẳn kẻ mất quê ư? Mặc kệ các ông bà cãi là văn minh này nọ, tôi là cứ thấy hơn hẳn. Có quê mà về.
Quê quý như vậy chứ, cãi làm sao được. Không quý thì sao mỗi năm lễ tết, hành hương ùn ùn tắc hết ngả đường đầy ứ xe cộ, dân Trung Quốc thì cuộc hành hương lên đến hàng trăm triệu người. Dân Việt ở thành phố thì được hưởng ba ngày vắng vẻ bất ngờ, ra đứng giữa đường dang tay “selfie” một cái, đưa lên Phây hình độc và lạ.
Thôi thì ai cũng có lý, kẻ bỏ quê mà đi làm người văn minh đổi đời, hay chỉ thuê nhà trọ chui rúc, mua cái xe Tàu chạy loạn cả phố, con gửi nhà trẻ không chuyên, bị đánh đập, làm nạn nhân của đô thị. Bây giờ đồng ý, ai cũng nhớ quê, không bàn cãi giá trị quê hương. Nhưng mà bây giờ hỏi, ai xung phong về quê sống, thì đoán chắc… chẳng ai giơ tay. Ai cũng có lý cả, tại nọ tại kia. Lắc đầu hết.
Còn có một số đông (chưa thống kê ra con số) mất hẳn, bán đất ra đi, họ hàng ly tán, làm gì còn quê nữa mà về?
Vậy thì chính mình, hay trách ai làm mất quê đây? (Đổ cho tại vì cuộc sống là dễ nhất, phải không quý vị?).
Chà, cái ông “Cuộc sống” này, chẳng biết ông ở đường nào, địa chỉ ra sao để đến mà hỏi tội…