Nhất định câu trả lời đã rõ, cần gì phải hỏi, đó là… các bà vợ chứ còn ai.
Nhờ chồng làm một việc xong, không mấy khi cảm ơn, mà nhất định sẽ “kiểm tra” rồi kêu ca.
Ví dụ ư? Đầy, nhà nào chẳng có. Cứ thử hôm nào bất đắc dĩ phải nấu cơm mà xem. Xong việc, bà xã sẽ nói, dọn bãi chiến trường do ông ấy xả ra, mệt hơn cả tự mình nấu. Này là dao thớt dùng xong để nguyên đó, nồi thì cháy đen. Tất cả tay nắm của các ngăn kéo, không hiểu chân tay “ông ấy” ra sao mà cái nào cũng có mỡ bám.
Một chị kể, cái nồi đen đến mức nếu ai… dí súng vào tai tôi bắt phải làm cho nó đen như thế, nếu không sẽ… bắn chết, thì tôi cũng chịu. Vậy mà ông xã làm kiểu gì tài thế. Cái nồi cháy đen…
Người ta nói đàn ông sợ và ghét nhất đàn bà hay kêu ca.
Vậy mà “đùng một cái”, cô vợ hớn hở: Đây này, báo đăng rõ ràng nhé: “Kêu ca là bệnh của… giới trung lưu”. Một ông giáo sư kể rằng sang Singapore đi taxi là nghe người lái kêu ngay thuế má cao quá. Nhưng ông giáo sư nghiên cứu nhiều nên biết là thuế ở Singapore chỉ chiếm 14% so với GDP trong khi Mỹ là 40%. Rồi lại nghe anh công chức than mua nhà đắt đỏ lắm, trong khi Singapore đứng thứ hai thế giới về số người dân sở hữu nhà do chính sách tốt…
Đại khái vậy. Nhiều người nhảy vào bình luận ở trang của ông giáo sư, nói, sao ở nước ta dân trung lưu đâu có nhiều hơn hẳn, đâu phải số đông nhất, vậy mà “phong trào ném đá” trên mạng lại vô địch như vậy, số người “kêu ca” lại hiếm khi là các bà vợ mà phần nhiều là… đám choai choai?
Có người lại nói, ở Hà Lan, chắc chắn số trung lưu trở lên rất đông. Vậy mà họ có kêu ca đâu. Nếu ai hỏi sống ở đâu thích nhất thì họ trả lời nước Hà Lan của họ là thích nhất.
Vậy có phải trung lưu hay kêu ca? Nếu trả lời đúng, thì ra ở Việt Nam ta, đám ném đá lại chẳng phải trung lưu gì (đám choai choai là nhiều). Choai choai làm gì đã có sự nghiệp mà đòi trung lưu?
Mà nếu nói rằng trung lưu là tầng lớp mới, đông đảo, nòng cốt của xã hội, có hiểu biết, đòi hỏi, phê phán mới hay kêu, thì chẳng hóa ra… khen phụ nữ hay kêu ca là “tầng lớp tiến bộ”, tức là bênh vực cái bệnh “hay kêu ca” của họ à? Sợ chết được!
Đọc trên mạng một hồi, vợ phấn khởi phát hiện ra có người phân tích: “Ở đâu ít hạnh phúc, nhiều áp lực, mới kêu ca”. Thế thì đúng quá rồi. Thử xem trong nhà, ai kêu ca – vợ chứ gì? Hóa ra, vợ chính là người chịu nhiều áp lực nhất, vất vả, công việc căng thẳng, chăm lo gia đình. Mà như vậy thì ít hạnh phúc, đúng quá rồi…
Vậy nói kêu ca là bệnh của giới trung lưu, thì cũng chính là khen phụ nữ? Thế này thì loạn thật. Mà suy cho cùng, chưa có công trình nghiên cứu nghiêm túc nào tìm ra lý do khiến các bà vợ hay kêu ca.
Anh chồng may quá vớ được một dịp. Hàng xóm mới mua dàn… karaoke, thôi thì hết giọng nam đến giọng nữ chua lè. Ban đầu cố chịu đựng, tưởng rồi mau qua. Nào ngờ “âm nhạc bất đắc dĩ” tra tấn tới gần nửa đêm.
Vợ càu nhàu, không có ý thức, không cho ai ngủ, muốn điên cái đầu… Chồng định so sánh với nỗi khổ nghe vợ cằn nhằn, chợt nhớ ra bèn nói: “Dai và nhức nhối chẳng khác gì… tầng lớp trung lưu”. Vợ: “Lưu gì mà lưu. Trọc phú thì có”.