Tọa lạc sừng sững trên đảo Lombok của Indonesia, núi lửa Rinjani với hõm chảo hùng vĩ, cùng ngọn “núi lửa con” mọc giữa hồ Segara Anak xanh như đại dương là điểm thu hút khá nhiều dân leo núi.
Rinjani là ngọn núi lửa cao thứ nhì Indonesia (3.726m, cao hơn Fanxipan của Việt Nam). Tuy nhiên do khi chinh phục Rinjani, người leo thường phải leo lên đỉnh, rồi đi ngược xuống hồ, rồi lại leo lên miệng vành bên kia núi, sau đó mới thực sự xuống núi, nên chiều cao thực leo của Rinjani (3.715m) hơn gấp đôi chiều cao thực leo của Fanxipan.
Chinh phục độ cao trong mưa gió
Đoạn đường trekking ngày đầu chia làm ba phần. Đoạn đầu đi miệt mài qua những ngọn đồi cỏ, hết lên lại xuống. Sau khi đi suốt mấy tiếng, chúng tôi đến một cây cầu giữa rừng và dừng bước dùng bữa ở đây. Porter đã tới trước để chuẩn bị bữa trưa. Ăn xong thì trời đổ mưa, mưa rất lớn, và kéo dài đến tận lúc đến đích. Cả buổi chiều đó cả đoàn khoác áo mưa cắm cúi leo dốc, bên ngoài thì lạnh, bên trong thì mồ hôi nhễ nhại. Phải nói là rất mệt, có cảm giác đoạn này dài như vô tận, mưa vẫn mưa, sương mù vây kín, chúng tôi cứ tuột dần sau các bạn Tây.
Đến một khúc quanh trong đoạn đường leo dốc dài đằng đẵng, bỗng thấy có một lối đi thật dốc dẫn lên… bầu trời, thế là chúng tôi chạy vội lên đó vừa lúc cơn mưa ngớt hạt, và đập vào mắt mọi người là khung cảnh bao la của một miệng núi lửa bạt ngàn, đẹp đến nghẹt thở! Đó là đoạn thứ ba của ngày hôm ấy – lên đến miệng vành Sembalun.
Trước mặt chúng tôi là một đoạn đường trông như ống lưng khủng long mỏng manh, chêm đầy những căn lều đủ màu sắc của các đoàn trekking tới trước, bên trái là cả sườn núi chìm trong mây thoai thoải đổ về phía đại dương, còn bên phải là hồ nước xanh thẳm lọt thỏm giữa núi, bên trong hồ là ngọn núi lửa nhỏ đang nhả khói. Cả ngày lầm lũi dưới mưa cũng thật xứng đáng khi được chiêm ngưỡng cảnh sắc cực kỳ ngoạn mục này!
Gió rất mạnh và lạnh, mưa đã tan, chúng tôi đi dọc con đường đến chặng cuối của những căn lều rực rỡ mới thấy trại. Trời hoàng hôn nhưng chỉ thấy xa xa một màn mây xanh xám. Tối đến gió thổi bần bật, lều đã nằm khép vào phía dưới mõm đất mà vẫn có cảm giác sắp bung cọc bay đi, rốt cuộc không ai ngủ được vì lạnh quá.
Bị cái lạnh giá đánh thức lúc 1 giờ sáng, tôi bắt đầu lo lắng: “Hôm nay sẽ là một ngày dài, tối qua mình đã không ngủ được, giờ có leo lên tới đỉnh được thì cả ngày cũng sẽ không đủ sức leo qua bên kia núi”. Bước tới chỗ tập kết leo tôi càng lo hơn vì trời quá lạnh, ráng hòa chung với không khí sôi nổi của đoàn trekking nhưng người thì nặng nề và váng vất lắm. Nhưng thôi thì phóng lao thì đành theo lao…
Những chặng đường đẹp quên cả nhọc nhằn
Đoạn đường từ trại đến đỉnh núi thật đẹp nhưng cũng là đoạn khó nhất của hành trình. Ở bất cứ đoạn nào cũng có thể trải tầm mắt ra rộng khắp ngọn núi, thậm chí nhìn đến bên đảo Bali. Khó ở đây không phải vì mức độ hiểm trở (như Fanxipan), mà vì dốc và cát núi lửa. Bước lên một bước, trượt xuống hai bước – ai đã đi bộ lên đồi cát sẽ hiểu cảm giác đó.
Không ai đi nhanh được, trời cực lạnh, gió cực lớn, cát thì chuồi dưới chân, mây mù bao khắp nơi. Trong suốt quá trình leo, nhiều lúc tôi quá đuối sức phải dừng hẳn lại thở dốc, và lại nghĩ đến đường lui. Lúc đó mắt díp lại vì buồn ngủ, mỗi bước đi nặng như chì.
Trời đã hửng sáng, đoàn người đã bỏ tôi rất xa, đỉnh núi chìm trong màn xám đục, bình minh thế là trắng tay. Tôi quyết định quay trở về trại, với suy nghĩ là mình nên dành sức cho cả ngày hôm nay. Đường quay về trại sương mù đã tan bớt, trời hửng sáng cũng bớt lạnh hơn, phô bày ra thiên nhiên đẹp đến ngợp mắt bên dưới. Trước khung cảnh đẹp mê hồn, mặc dù mệt lả người tôi cũng phải dừng lại chụp hình, trong lòng có chút tiếc nuối và cắn rứt vì không lên đỉnh với đoàn. Nhưng đến được tới đây, ngắm được quang cảnh này cũng đã mãn nguyện rồi.
Ngày hôm sau ở chặng tiếp theo, chúng tôi xuống hồ, đoạn đường nhiều đá và khá hiểm trở, nhưng đi xuống nên chỉ đau chân chứ không mệt mấy. Ở đoạn này, tôi là người duy nhất có ngủ được chút ít khi về trại nên còn khỏe, nhờ vậy đi khá nhanh, bỏ xa các bạn đồng hành, phải dừng lại chờ.
Lúc vừa qua một cây cầu nhỏ bắc ngang con suối, trước mặt tôi là những ngọn đồi xanh rì trập trùng nối tiếp nhau và chìm dần vào màn mây đang kéo đến. Tôi có thể nghe được tiếng gió khẽ đưa mây ập đến những ngọn cỏ những cành cây, đan bện vào nhau rồi mây lại rời ra, lướt thướt bay đi…
Xuống tới hồ, mây đã che phủ kín mặt hồ lặng thinh. Sau bữa trưa ở hồ, đã 3 giờ hơn mà còn tới một phần ba đoạn đường từ hồ lên lại miệng vành Senaru bên kia núi, lại là đoạn phải leo dốc, hướng dẫn viên sốt ruột vừa đi vừa hối thúc chúng tôi. Nhưng rồi vì thấy sức mọi người đã cạn, nên ở đâu đó giữa lưng chừng núi, giữa rừng, hướng dẫn viên quyết định hạ trại.
Hôm sau, đoàn mặc áo mưa, ăn vội bữa sáng rồi lại tiếp tục hành trình lên lại miệng vành Senaru, nơi đáng lẽ có thể đón hoàng hôn ngày trước. Đoạn đường còn lại này hơi nguy hiểm, nhiều đá và phải leo hơi nhiều. Đường xuống núi chia làm hai đoạn. Đoạn đầu là những con đường thoai thoải, nhiều đá và ít cây.
Tôi thử nhập vào một đoàn porter để đua cùng họ. Cách họ đi là phóng liên tục, lợi dụng trọng lực để làm giảm bớt sức nặng lên chân. Mới đầu sẽ hơi ớn vì sợ té, lúc sau thành quen. Di chuyển cách này làm chân bớt đau và tiết kiệm thời gian xuống núi rất nhiều.
Gần 4 giờ cả đoàn xuống tới làng Senaru. Lúc này đường đã bằng phẳng, cả đoàn đi chầm chậm. Nắng lên rực rỡ chiếu xiên qua những tán cọ lên con đường làng yên bình, cuối hành trình như một bản nhạc dạo cuối êm đềm và thật đẹp, trừ chuyện chân quá đau, người quá mệt…