Kết thúc cung đường Great Ocean Road ngoạn mục với điểm mở đầu là Melbourne, chúng tôi đặt chân lên thành phố Adelaide xinh đẹp, thủ phủ của tiểu bang Nam Úc (South Australia). Thành phố Adelaide của tiểu bang Nam Úc có dân số đông xếp thứ năm của Úc và tập trung khá nhiều trường đại học uy tín.
Những ngôi làng và thung lũng đẹp như mơ
Trong những đô thị lớn của xứ sở chuột túi, Adelaide nổi tiếng là được tổ chức cực kỳ ngăn nắp, trật tự. Chưa hết, thành phố này còn đi đầu trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, phát triển đô thị, tái chế bao bì… Với du khách mới tới lần đầu, Adelaide gây ấn tượng bằng hệ thống xe bus chạy trên tuyến đường riêng O-bahn độc đáo, lấy từ kinh nghiệm của thành phố Essen của nước Đức. O-bahn nằm trong rãnh với hai bờ thành là đường dẫn, xe bus khi vào đây sẽ tựa vào hai bờ, không cần phải bẻ lái và có thể đạt vận tốc tới 80km/giờ, với mật độ xe 5-10 giây/chiếc, rất an toàn. Khó có nơi nào trên thế giới hội đủ mọi điều kiện để có thể thiết lập một hệ thống đường giao thông tương tự.
- Xem thêm: Thiên đường rực rỡ Mauritius
Theo hai tuyến đường xe bus miễn phí circle 98 và circle 99 chúng tôi đi vòng quanh thành phố. Mất hơn một giờ đồng hồ để lướt qua khu thời trang cao cấp Rundle Mall, qua chợ trung tâm sầm uất với Chinatown kế bên tràn ngập mùi đồ ăn quyến rũ, qua những khu đại học, những công viên rộng và sân golf công cộng đẹp như mơ. Mọi người thích thú nhất khi đi chơi vườn thảo mộc nằm kề bên sở thú có cặp gấu panda nghe nói sắp tới hạn phải trả lại cho Trung Quốc mà vẫn chưa chịu có bầu, rồi Viện Bảo tàng Nam Úc, nơi có bộ sưu tập rượu nho lớn nhất Nam Bán cầu.
Sắp vào cuối mùa hè, cư dân và cả du khách ở Adelaide thích chạy ra ngoại ô, nơi có những cây dẻ cổ thụ hạt rất bùi rụng đầy trên đồi. Lái xe dạo chơi quanh những quả đồi trồng nho trong thung lũng Barossa hay McLaren Vale cũng rất sướng. Chúng tôi dành cả một buổi chiều ở làng Hahndorf của cộng đồng người Đức tới định cư từ đầu thế kỷ XX. Hahndorf đẹp như những ngôi làng kinh điển nhất châu Âu. Hầu hết nhà, vườn vẫn giữ kiến trúc kiểu Đức. Dưới hàng cây rợp bóng mát, các nhà hàng, quán cà phê, tiệm bánh mì được trang trí tỉ mỉ bằng hoa tươi và đồ thủ công mỹ nghệ độc đáo.
Mấy ngày cuối cùng ở Adelaide, chúng tôi trú ngụ tại một trang trại gần làng Goolwa nơi cửa sông Murray. Chủ nhân của trang trại là một đôi vợ chồng đã nghỉ hưu và vui thú tuổi già bằng cách mua hơn trăm hécta đất nơi hẻo lánh, nuôi vài trăm con bò thả rong, buổi chiều nhìn kangaroo nhảy trong đồng rồi ngắm đàn két trắng bay từng cặp trên trời. Hai ngày sống với họ, chúng tôi được biết một số sinh hoạt trong trại, được đi chợ bán nông sản trong làng và xem buổi đấu giá đồ cũ. Trong buổi đấu giá đó, hai bác chủ nhà mua được chiếc sofa lớn còn mới với giá chỉ có 2 đôla Úc (AUS). Số là theo quy định bán đấu giá đồ cũ ở làng Goolwa thì mỗi món sẽ được rao bán với giá khởi đầu tối thiểu 2 AUS. Chiếc sofa kia vì chủ nhân rao hoài mà chẳng có ai để mắt tới nên cuối cùng đành “ra đi” với mức giá tối thiểu theo quy định.
- Xem thêm: Thăm thành phố cổ Bukhara vùng Trung Á
Sắc màu cuộc sống trên bán đảo Eyre
Rời Adelaide, chúng tôi lên xe đi về hướng tây. Chẳng mấy chốc đã tới miệt Gawler với những nông trại trồng cà chua, dưa leo rộng mênh mông. Nghe nói chủ nhân của một số nông trại này là người Việt và thuộc dạng khá giả trong vùng. Rồi xe đi vào bán đảo Eyre của Nam Úc, gọi là bán đảo nhưng có chiều dài bờ biển đến hơn 2.000km. Erye rất trù phú nhờ ngư nghiệp và nông nghiệp phát triển. Dọc hai bên đường có nhiều kho lúa mì khổng lồ cao hơn 20m.
Tại đây có những công ty chuyên cung cấp các dịch vụ đồng áng, nông dân chỉ cần đặt lịch là tới ngày có người chở máy móc tới tận ruộng. Máy cày, bừa, gieo hạt… giờ đây không cần người lái mà chạy tự động nhờ hệ thống định vị GPS. Thêm vào đó, người ta có thể cho nhiều máy chạy song hành nhau, mỗi máy bao dàn một đường cả chục mét chiều ngang. Cái lợi nhất là máy móc chạy 24/24. Nông dân Úc thời nay thắt cà-vạt đi dự hội nghị nông nghiệp, tham gia đấu giá hay họp bàn việc canh tác. Ruộng bao la nhưng không mấy người sở hữu nông cụ. Nhàn thì có nhàn thật nhưng đời sống nông dân hiện đại cũng lắm áp lực. Bất kể trúng mùa hay thất mùa, nếu không tính toán kỹ thì sau khi trừ đi các chi phí thuế má, bảo hiểm, thương lái, tiền thuê máy móc… thu nhập còn lại cũng không nhiều.
- Xem thêm: Thăm miền đất cổ tích ở Nam Aragon
Bán đảo Eyre có hình chữ V với hàng chục cảng và vịnh lớn nhỏ, bắt đầu từ cảng Germein nơi có chiếc cầu tàu 1,5km dài nhất Nam Úc và chấm dứt ở thành phố Ceduna. Du khách tới vùng này ngoài ngắm cảnh đẹp hay tắm (đặc biệt nước biển vùng này có độ mặn thấp, tắm không bị rít), còn có thể chơi những môn thể thao như trượt nước, lướt sóng, bay bằng dù hay phóng canô, hoặc tham gia những trò giải trí đặc biệt như lặn xem mực nang khổng lồ, bơi cùng cá heo hay lên tàu ra khơi xem lũ sư tử biển đùa giỡn. Dân làm ăn hay du khách muốn có thêm thu nhập thì tới đây bằng tàu đánh cá, hoặc đi xe có trang bị đồ nghề đánh bắt hải sản.
Nói về phong cảnh, mỗi vịnh mỗi cảng lớn nhỏ trên bán đảo này đều có vẻ đẹp riêng. Tại cảng Augusta mấy thập niên trước mỗi năm vào đầu mùa thu, số lượng mực nang khổng lồ quần tụ về đây sinh sản lên đến 250.000 con. Những năm gần đây chúng biến mất dần, chỉ còn chưa tới 100.000 con nên hiện nay chính quyền đang cấm đánh bắt gắt gao. Còn cảng Lincoln có khu rừng ngập mặn rất lớn là trung tâm tôm cá của Nam Úc, cũng được mệnh danh là “thủ đô cá ngừ của toàn thế giới”. Tại vùng này người ta dùng trực thăng có gắn hệ thống dò tìm mục tiêu – sonar tìm cá ngừ đại dương, bủa lưới kéo về trạm ngoài biển, rồi kêu mối lái Nhật Bản tới chứng nhận đúng là cá còn sống trước khi “thịt” và chở ngay món hải sản đắt giá này tới các tiệm ăn… tại Nhật, vì dân Úc không mê món cá sống sashimi lắm.
Dân mê cắm trại thì thích tới vịnh Coffin, nơi cung cấp loại hàu rất béo nổi tiếng nhưng cũng cực kỳ đắt. Bao quanh vịnh có khu rừng quốc gia cảnh rất đẹp, là nơi lý tưởng để hạ trại. Rồi đi hết một dọc hơn chục cái cảng và vịnh lớn nhỏ với đủ thứ tên lạ tai như Whyalla, Elliston, Streaky Bay, Venus Bay, Yangie Bay… với nước trong vắt thấy rõ cá đuổi bắt nhau, ăn đủ thứ tôm cá cua, chúng tôi tới thị trấn Ceduna, một nơi đáng lẽ là chỗ nghỉ lý tưởng nhưng dường như ai tới đây cũng háo hức muốn đi tiếp: hoặc qua hướng tây vào nơi sa mạc như chúng tôi sẽ đi, hoặc xuống hướng nam hưởng gió biển – nơi chúng tôi vừa đi qua.