Để một cặp đôi sau khi kết hôn luôn yêu nhau, có được sự ham muốn ở nhau và nguyện gắn bó lâu dài với nhau, không phải là điều dễ dàng. Bởi theo Sigmund Freud (nhà tâm lý học nổi tiếng, người đặt nền móng cho phân tâm học – một phân khoa của tâm lý học hiện đại), dù sinh ra là để yêu, con người lại là loài sinh vật thường không biết thỏa mãn, đặc biệt là trong chuyện tình cảm.
Chuyên gia tâm lý học Carolyn Gregoire, trên trang HuffPost đã nhận định: “Tình yêu, hôn nhân là lĩnh vực được chúng ta nghiên cứu nhiều nhất nhưng lại đạt được ít thành tựu nhất. Trong nhiều cuộc hôn nhân, tình yêu lãng mạn ban đầu thường kết thúc bi thảm, hoặc mất dần sự nồng nhiệt để rồi chuyển thành tình bạn…”. Tuy nhiên, vẫn có những tình yêu lãng mạn, bền chặt tồn tại trong đời thực. Theo Carolyn Gregoire, ở Mỹ hiện tại có tới 40% phụ nữ và 30% nam giới vẫn duy trì được cuộc sống hôn nhân lãng mạn và cuồng nhiệt như ngày đầu sau 30 năm kết hôn.
Adoree Durayappah, một chuyên gia tâm lý, cũng đồng quan điểm với Carolyn Gregoire: “Chìa khóa để duy trì tình yêu lãng mạn lâu dài là hiểu về tình yêu một cách khoa học. Trong não bộ con người, có một vùng chức năng hoạt động để duy trì những tình cảm lâu dài, gắn bó. Và nhiệm vụ của chúng ta là sử dụng những thói quen tốt để duy trì kích thích liên tục lên vùng não này, qua đó giúp bản thân giữ vững được sự nồng nhiệt với bạn đời”.
Tổng hợp từ những nghiên cứu khác nhau, dưới đây là ba phương pháp được Carolyn Gregoire ghi nhận từ các cặp đôi duy trì được mối quan hệ lãng mạn và nồng nhiệt kéo dài.
Giữ sự dại khờ
Ở hầu hết mọi người, trước khi yêu ai đó, họ thường bị gây ấn tượng bởi một đặc điểm riêng biệt của đối phương. Ví dụ họ thường nhận định bạn là người thông minh nhất (xinh đẹp nhất, nghị lực nhất, khiêm tốn nhất…) mà họ từng gặp. Tuy nhiên, sau một thời gian chung sống, trải nghiệm nhiều việc cùng nhau, cả hai đều nhận thấy đối phương không phải người tuyệt nhất ở lĩnh vực đó nữa, mà có những người khác, toàn diện và hoàn thiện hơn.
Và theo các nhà khoa học, khi cảm giác “mù quáng tình yêu” này biến mất, khả năng kéo dài một tình yêu luôn nồng nàn, lãng mạn cũng dần chấm dứt. Cụ thể, trong một cuộc khảo sát trên 470 người được Marcel Zentner, tiến sĩ tâm lý học thuộc Trường Đại học Innsbruck (Áo), đã đưa ra một kết luận thú vị, đó là những yếu tố như truyền thống gia đình, kiến thức, sự tử tế, tốt bụng… không giúp cho một cặp đôi luôn yêu nhau sâu đậm, mà chính khả năng duy trì ảo tưởng tích cực mới là thứ giúp chúng ta kéo dài tình cảm nồng cháy của mình.
“Nhiều người gọi đó là tự kỷ ám thị, ngu ngốc, mù quáng trong tình yêu, thần thánh hóa bạn đời… Còn tôi thích gọi đó là sự dại khờ trong tình yêu, như cách Steve Jobs đã nói “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” – cách ông đã làm để giữ đam mê tới phút cuối cùng với Apple. Tất nhiên, bạn cũng cần tỉnh táo để nhận ra sự tồi tệ của đối tác, ngăn chặn hoặc sớm tránh xa họ. Và nếu bạn biết cách dại khờ cần thiết với điểm mạnh của họ, thần thánh hóa điều đó như những ngày đầu, bạn sẽ luôn cảm thấy tình yêu của mình tràn ngập lãng mạn nồng nhiệt” – Marcel Zentner nhận xét.
Thử những thứ mới
Nhàm chán là một trong những trở ngại lớn tiếp theo mà một tình yêu lãng mạn phải vượt qua để có thể kéo dài. Và theo K. Daniel O’Leary, giáo sư danh dự chuyên ngành tâm lý học thuộc Trường Đại học Illinois (Mỹ), những cặp vợ chồng có trải nghiệm tình cảm mãnh liệt kéo dài thường xuyên cùng tham gia vào các hoạt động “tự mở rộng” đầy thử thách.
“Trải nghiệm cùng nhau những điều mới mẻ, thú vị và thử thách là một cách hay để các cặp đôi giữ sự tươi mới cho mối quan hệ của mình. Và yếu tố này đặc biệt đúng ở nam giới. Vì thế, nếu cả hai không thể cùng nhau nhảy bungee, ít nhất hãy làm mới những thói quen, lời nói, hành động hay những đồ dùng khác nhau trong ngôi nhà của bạn. Sự tươi mới luôn tạo ra những điều tò mò thú vị. Tuy nhiên, có một điểm cần chú ý, đó là vợ chồng không nhất thiết phải trải qua mọi điều mới mẻ cùng nhau. Đôi khi cho bạn đời của mình không gian riêng để họ tự chiêm nghiệm, làm những việc mới mẻ, thử thách mà họ thích thú, theo đuổi sẽ là điều tốt. Khi hoàn thành, họ sẽ bước ra với một vị thế, tâm hồn, cảm xúc mới mà bạn chưa từng thấy trước đây” – K. Daniel O’Leary kết luận.
Góc nhìn về một cuộc hôn nhân
Có một sự khác biệt khá lớn trong góc nhìn về hôn nhân cũng như mục tiêu tiến tới hôn nhân ở mỗi người. Theo đó, nhiều người quan niệm, hôn nhân là nơi giúp họ có được sự an toàn, như một hình thức bảo vệ họ trong cuộc sống. Còn ở nhiều cặp đôi, họ đến với hôn nhân để tìm kiếm sự trải nghiệm, tự hoàn thiện mình.
“Cuộc hôn nhân kiếm tìm sự tự hoàn thiện thường được xem là yếu hơn cuộc hôn nhân kiếm tìm sự an toàn. Điều này là đúng nếu chúng ta xét trên tỷ lệ hài lòng lẫn tỷ lệ ly dị. Nhưng ở những cuộc hôn nhân hướng tới sự tự hoàn thiện, điều tốt đẹp chính là các cặp đôi sẽ có một tình yêu mạnh mẽ hơn và có khả năng giữ được nhiệt huyết bền chặt hơn” – Eli J. Finkel, giáo sư tâm lý xã hội học tại Đại học Northwestern (Mỹ), phát biểu trên tờ The New York Times. Theo ông, với những cuộc hôn nhân chỉ để phục vụ nhu cầu an toàn, một trong những nhu cầu cơ bản của con người, chúng ta dễ có điểm dừng, tự hài lòng và thôi cố gắng cho mối quan hệ đó. Giống như khi tìm được một ngôi nhà đẹp, an toàn, bạn sẽ không còn muốn xây thêm hay sửa sang gì cho tới khi một cơn bão kéo tới buộc bạn phải thay đổi. Ở những cuộc hôn nhân với mục tiêu tự hoàn thiện, các cặp đôi phải đầu tư rất nhiều thời gian, năng lượng, công sức để tự làm mới mình, tìm kiếm phương pháp, học hỏi, trải nghiệm… Và việc này thực sự là yếu tố hàng đầu giúp gìn giữ tình yêu lãng mạn trong thời gian dài.
- Anh Đức tổng hợp