Điều gì khiến cuộc sống của chúng ta hạnh phúc? Để trả lời câu hỏi được giáo sư Arlie Bock (chủ nhiệm khoa Vệ sinh dịch tễ của Trường Đại học Harvard) và giáo sư Eleanor Glueck (nhà phân tích tâm lý tội phạm và là giáo sư Tâm lý học của Trường Đại học Harvard) khơi mào này, nhóm nghiên cứu đã phải mất… 75 năm, trải qua bốn nhiệm kỳ công việc, thông qua phỏng vấn, theo dõi hành vi và cách sống của 724 thanh niên (thời điểm ban đầu), các chuyên gia đã đưa ra một kết luận khá thú vị, đó là hạnh phúc của con người phụ thuộc vào chất lượng các mối quan hệ của họ trong cuộc sống.
“Bất kể bạn là người thông minh hay giàu có (trong 724 thanh niên được nghiên cứu, 268 người là những sinh viên ưu tú nhất của Trường Đại học Harvard), ngốc nghếch hay nghèo khổ (456 thanh niên còn lại là người sinh ra trong các gia đình nghèo ở gần Boston – Mỹ), thì những mối quan hệ tốt sẽ giúp bạn sống khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn. Chấm hết” – giáo sư Y khoa Robert Waldinger, người chịu trách nhiệm trong nhiệm kỳ thứ tư của công trình nghiên cứu, đã đưa ra kết luận trong bài diễn thuyết tại diễn đàn TED Talks.
Và theo các chuyên gia tâm lý, trong vô số mối quan hệ mà mỗi chúng ta trải qua suốt cuộc đời, thì hôn nhân (quan hệ vợ – chồng) là một trong những mối quan hệ khó lý giải và thường tạo ra tác động tâm lý nặng nề nhất. Bởi hai con người bắt đầu gắn với nhau không phải bằng quan hệ huyết thống mà bằng tình yêu, một cảm xúc rất dễ thay đổi theo thời gian.
Bất quy tắc trong mối quan hệ hôn nhân
Bằng cách nghiên cứu trực tiếp 30 cặp đôi ở các giai đoạn hôn nhân khác nhau trong suốt sáu năm, giáo sư Tâm lý học John Gottman (tác giả quyển sách The Seven Principles for Making Marriage Work tạm dịch: Bảy nguyên tắc vô giá cho hôn nhân – một trong những quyển sách bán chạy nhất theo tờ The New York Times, đã bán được hơn 1 triệu bản), nhận ra một điều là không có nhiều quy tắc có thể áp dụng vào mối quan hệ hôn nhân giống như cách chúng ta duy trì các mối quan hệ khác trong xã hội.
“Có ba điều chúng ta thường cho rằng là cách để giữ mối quan hệ hôn nhân hạnh phúc, là hạn chế xung đột, giao tiếp tốt với nhau, không kỳ vọng quá cao về nhau. Tuy nhiên, thực sự ba điều này không đúng với tất cả mọi người” – John Gottman cho biết. Những cặp đôi hạnh phúc không hẳn có ít xung đột hơn những cặp khác. Một vài cặp thực sự hiếm khi tranh cãi và nếu có thì họ cũng rất nhẹ nhàng. Nhưng cũng có những cặp thường xuyên cãi cọ, lớn tiếng và giận dữ. Họ có tính khí, giá trị và sở thích khác nhau, tranh cãi thường xuyên về tiền bạc, con cái, tình dục…
Về khả năng giao tiếp của các cặp đôi, chúng ta vẫn nghĩ, giao tiếp là chìa khóa của mọi việc, những cặp đôi không giao tiếp tốt sẽ dễ đổ vỡ. Thế nhưng trong nghiên cứu của Gottman, thì khá nhiều cặp đôi không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào về việc giao tiếp hiệu quả và giải quyết mâu thuẫn phù hợp. Cụ thể, họ mất bình tĩnh, không lắng nghe, không chủ động nói lên cảm nhận của mình, thậm chí chỉ chăm chăm hướng vào lỗi lầm của người kia, thế nhưng sau đó, kỳ lạ là họ vẫn muốn ở bên cạnh nhau.
Cuối cùng, là sự kỳ vọng trong hôn nhân. Gottman và Donald Baucom, tiến sĩ tâm lý giảng dạy tại Đại học Bắc Caroline, đã có cùng những khám phá khá thú vị. “Một số người cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến hôn nhân đổ vỡ là do vợ chồng đều kỳ vọng quá cao về nhau. Bằng cách hạ thấp kỳ vọng xuống, những tranh cãi sẽ biến mất và bạn sẽ ít có khả năng bị thất vọng hơn. Nhưng sự thật không phải như vậy. Donald Baucom đã phát hiện ra rằng, những người có kỳ vọng cao đôi khi sẽ cố gắng và nỗ lực hơn trong mối quan hệ của họ, từ đó có được thứ mình muốn, thay vì giảm kỳ vọng và để mọi thứ tuột dốc” – Gottman chia sẻ.
Tài khoản tình cảm của những cặp đôi
“Ở nhiều cặp đôi, có tới 70% mâu thuẫn hôn nhân sẽ tồn tại mãi mãi và không thể giải quyết được” – Gottman chia sẻ – “Những mâu thuẫn đó đi theo các cặp đôi suốt cuộc đời, như hai mặt của đồng xu. Vì vậy giải quyết mâu thuẫn không phải là cách luôn đúng trong mối quan hệ hôn nhân. Cách tôi khuyên mọi người khi bước vào mối quan phức tạp này, đó là sử dụng tài khoản tình cảm”.
Gottman đã xây dựng tỷ lệ cân bằng chính xác để một cuộc hôn nhân bền chặt và hạnh phúc là 5:1, tức một cặp đôi có tỷ lệ giữa khoảnh khắc tương tác tích cực và khoảnh khắc tiêu cực ít nhất là 5:1, cuối cùng sẽ mãi hạnh phúc bên nhau.
Cụ thể, nếu tài khoản mối quan hệ của một cặp đôi đang có ít “tiền” (nhiều tương tác tiêu cực), thì mỗi lần “rút tiền” (mâu thuẫn) số dư của tài khoản ngày càng giảm đi, theo tỷ lệ 1-5. Cho tới khi một người không thể chịu đựng số âm quá lớn, họ sẽ rời đi. Ngược lại, nếu tài khoản của một cặp đôi tràn đầy những tương tác tích cực, thì họ có thể “rút tiền”, như cãi cọ, mất kỳ vọng về nhau, xung đột… mà không sợ thâm hụt. Bởi đối phương sẽ không chỉ vì một vài lỗi lầm nhỏ mà từ bỏ một mối quan hệ với quá nhiều điều tốt.
Cũng theo nguyên lý tài khoản hạnh phúc, thì khi một cặp vợ chồng gặp khủng hoảng về tình cảm đưa nhau tới văn phòng tư vấn hôn nhân của tiến sĩ tâm lý Williams Harley, ông thường sẽ tách họ ra hai phòng khác nhau và yêu cầu mỗi người trả lời cùng câu hỏi, rằng “việc gì mà người bạn đời của bạn đã hoặc có thể làm sẽ khiến cho bạn hạnh phúc?”.
“Không ai có thể cứu vãn hôn nhân của bạn ngoài bản thân bạn. Tôi đã nhận được hàng trăm trang giấy trắng cũng như những trang giấy chi chít chữ khi hỏi câu hỏi đó. Nhiều người sau khi nghĩ lại, đã nhận ra giá trị của bạn đời, chịu đối thoại, chịu giúp đỡ bạn đời và bỏ qua những khác biệt, nhưng nhiều người thì không. Tuy nhiên có 10 điểm cảm xúc đặc biệt mạnh, là: Cảm phục, âu yếm, trò chuyện, giúp đỡ nội trợ, quan tâm đến gia đình, tiền bạc, thành thật và cởi mở, ngoại hình hấp dẫn, vui vẻ – giải tỏa căng thẳng, quan hệ tình dục, là những điểm đa số mọi người đều đánh giá cao. Vì vậy, nếu muốn gia tăng tài khoản tình cảm, bạn nên làm những việc phù hợp để tập trung vào những điểm cảm xúc trên” – Williams Harley kết luận.
- Anh Đức tổng hợp