Máy bay, tên lửa, tàu thủy hay các thiết bị công nghệ mới? Đố ai biết được thứ gì đắt nhất? Mà đắt so với cái gì?
Một chàng sinh viên nghèo thì thấy đắt nhất là điện thoại, đồng hồ hạng sang, xe máy đời mới? Còn theo “mẫu” mơ ước giàu sang thì là nhà lớn xe xịn, con cái học trường tốt và đi du lịch nước ngoài?
Tức là có nhiều thứ đắt lắm, người ta phải dành dụm có khi cả đời mới có được.
Nhưng có người nói, thế kỷ XXI, thứ đắt nhất vẫn là sức khỏe. Để cho thêm phần ấn tượng, họ còn nói, đó là “khoản bội chi ác tính”, “Yêu vợ yêu con yêu gia đình, không yêu sức khỏe cũng như không”. Ngẫm ra thấy có lý. Cứ giả sử một người giàu có, nằm trong ngôi biệt thự lớn, khu vườn hoành tráng, xe đẹp một dàn, chẳng thiếu gì, mỗi tội… ốm yếu. Vậy là tất cả như chẳng có ý nghĩa gì.
Một người xếp hàng kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ “xòe ra một nắm như bộ bài” toàn giấy xét nghiệm. Thử máu? Dù có lấy số lên đến 1.000 ban đầu lạ lẫm thì hốt hoảng, chứ đi quen rồi, thấy vô một lượt 4-5 người chia ra các bàn, chỉ mấy phút là xong. Soi X.Q, rồi siêu âm ổ bụng. Nằm trên giường, nghe bác sĩ đọc kết quả cho cô y tá: “Gan nhiễm mỡ”. Trời, hình như… cả nước bị gan nhiễm mỡ, nên chẳng sợ. Bác sĩ đọc tiếp: có nang thận phải. Nang à? Ai mà chẳng có nang này nang kia một chút. Mà từ mấy lần trước khám cũng nói có nang, mình cứ kệ, chẳng quan tâm, rồi đâu có thấy sao. Bác sĩ đọc tiếp: Thận có sỏi. À mà hình như cái cậu ở cùng công ty còn trẻ lắm mà cũng cứ chữa sỏi thận, về quê đem lên một đống chuối hột để ngâm rượu. Có sao đâu. Bây giờ làm gì có ai không có bệnh.
Ngày xưa, lâu lắm rồi, mỗi lần khám bệnh ra, cầm tờ giấy xét nghiệm trống trơn, một lô cột chỉ mỗi chữ “BT” lại còn thắc mắc, BT là gì – sau này biết là “bình thường” lại cứ thấp thỏm, cái gì cũng “BT” thì mất công đi khám làm gì. Hay là bác sĩ họ tắc trách ghi đại. Đúng là có thời ngớ ngẩn hết sức.
Nhưng bây giờ khác rồi. Không biết do bệnh tật quá nhiều hay là do thuốc men quá nhiều. Một khi thuốc quá nhiều, cần phải bán, thì coi chừng, không biết đâu là thật, đâu là quảng cáo.
Thử ghé thăm một bà nhà… hơi giàu. Nghĩa là có biệt thự, có ôtô, có ôsin, mà nghe bà kể bệnh: Hỏi bà có dính trong các “bộ ba thời đại” không – tức là tim mạch, huyết áp, tiểu đường – thì bà trả lời rằng hỏi vớ vẩn, cứ năm mươi, sáu mươi tuổi trở lên, đố tìm thấy ai không “dính”. Cơ thể người ta cần dinh dưỡng – luyện tập – thuốc men. Dinh dưỡng thì bây giờ chỉ lo ăn nhiều quá, béo phì, chứ làm gì có ai thiếu ăn. Rau củ quả đầy đường. Nghe người ta rao thấy rẻ đến xót ruột, mười ngàn ba trái bắp Mỹ đó.
Đầu tiên bà uống các loại thuốc người ta không thể thiếu, nấm linh chi Hàn Quốc, cây xáo tam phân, nấm tai xanh, sữa ong chúa, phấn hoa mật ong. Nghe nói có An cung ngưu hoàng hoàn – thứ thuốc cấp cứu kỳ diệu rất đắt, có loại mấy triệu đồng một viên và thật giả rất khó lường, vì nghe nói “chúng làm giả từ bên Trung Quốc kia”, sao biết được. Đắt và hiếm quý đến nỗi gửi cho cậu em ruột ngoài Hà Nội, mà nghe nói “cậu ấy đột quỵ đến lần thứ ba, nói ngọng líu lo mà con cháu không biết gì cả, nhưng thuốc An cung ngưu hoàng hoàn quý, nên cậu vẫn… để dành”. Thật khốn khổ cho tính hà tiện. Nghe vợ cậu kể, nhét cho tiền vào túi để tiêu, mà có lần “nổi điên” chửi cho một trận vì sau một tuần khám túi thấy tiền vẫn còn nguyên. Thật cứ như chuyện tiếu lâm.
Đó, chưa kể đoạn trọng bệnh phải nằm viện mổ xẻ hay là “bay đi Sing” thì cứ gọi là “tiền tấn” bay theo.
Vậy là đã rõ chưa? Thứ gì đắt nhất, chính là sức khỏe. Ai nghĩ ra câu “khoản bội chi ác tính” thật là người thông thái.