Một khu đất chỉ rộng 24,5m², nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Đề bài đặt ra cho nhóm thiết kế là làm sao để xây dựng một ngôi nhà diện tích nhỏ với các khu chức năng đáp ứng nhu cầu của hai người trẻ là chị em ruột, tổng chi phí cho việc thiết kế, xây dựng hoàn thiện và trang bị nội thất gói gọn trong 600 triệu đồng.
Với dự án nhà diện tích nhỏ này, nhóm thiết kế cho biết họ cân nhắc rất kỹ. Vấn đề không phải ở chỗ gói chi phí đó cao hay thấp, mà là phải tìm ra một phương án phù hợp, “đúng” và “đủ” trong giới hạn chi phí cho phép. Làm sao để không gian tuy nhỏ nhưng vẫn thoáng và gợi mở nhiều cảm xúc? Làm thế nào để con người sống trong đó không chỉ đóng khung trong những hoạt động đi lên đi xuống rồi chui vào từng không gian riêng biệt mà có thể tương tác với nhau nhiều hơn, có thể cảm nhận được sự thay đổi về ánh sáng, về thông gió…? Từng vấn đề được đặt ra để tìm kiếm giải pháp.
Sau bốn tháng thi công, ngôi nhà đã thành hình – một tổ ấm nhỏ xinh có quy mô một trệt, hai lầu và sân thượng. Trong đó, toàn bộ không gian tiếp khách, khu vực ăn và gian bếp bố trí ở tầng trệt. Còn lại, mỗi tầng là một phòng ngủ. Đặc biệt, khu vực cầu thang không chỉ là trục giao thông đứng thuần túy mà là phần tạo nên “cuộc sống” của ngôi nhà.
Qua đó, các thành viên có thể giao lưu với nhau nhiều hơn. Giải pháp về kiến trúc và vật liệu đã làm cho khu vực này trở thành điểm nhấn của ngôi nhà, đồng thời giữ cho tầm nhìn xuyên suốt, thông thoáng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Vật liệu của toàn bộ ngôi nhà được đề xuất chủ yếu nằm trong nhóm vật liệu nguyên bản, có thể cấu tạo không gian mà không cần các lớp bao che hoàn thiện. Đó là gạch trần, là sàn bê tông thô…
Khung thép tạo thành cầu thang cũng là một giải pháp để giảm tải trọng và làm cho ngôi nhà đỡ phức tạp về cấu kiện. Khu vực cầu thang và lân cận cũng được tổ chức đan xen và đa năng. Phần nóc công trình phụ dưới tầng trệt có thể là nơi ngồi đọc sách hoặc trồng cây, các khoảng dừng ở cầu thang có những ngăn, kệ… mà mọi người có thể ngồi chơi, đọc sách, trò chuyện.
Do nhà chật nên nhóm thiết kế chọn giải pháp dùng các bức tường gạch xếp lỗ, vừa để thông gió vừa tạo cảm giác nhẹ nhàng, mọi người có thể san sẻ không gian và tầm nhìn, không bị chặn bởi các bức tường cứng… Cũng vì diện tích nhỏ hẹp nên với phòng ngủ ở lầu 1, để tạo cảm giác không gian rộng lớn hơn, người thiết kế sử dụng bức tường phía trước là loại hai lớp: kính lùa bên trong (có thể đóng, mở để chủ động trong việc sử dụng năng lượng) và lưới B40 bên ngoài.
Lưới là loại vật liệu phổ thông, dễ làm, các loại dây leo có thể bò lên, nhờ vậy giảm được lượng nắng chiếu vào nhưng gió có thể xuyên qua. Phòng ngủ còn lại ở lầu 2, tường cũng là gạch trần nhưng thêm một lớp sơn trắng để tạo cảm giác nhẹ nhàng. Đây là phòng của nữ chủ nhân nên cả hai mặt trước và sau đều dùng gạch xếp lỗ, vừa thông thoáng vừa bảo đảm sự riêng tư.
Một công trình nhỏ nhưng chứa đựng nhiều tâm huyết của những người thiết kế, thi công cũng như chủ nhân ngôi nhà. Trong suốt quá trình thi công, họ cùng nhau giải quyết nhiều thứ. Nhóm thiết kế cho rằng sự tham gia của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện cũng góp phần tạo nên ký ức của họ với không gian sống của mình, nên luôn khuyến khích chủ nhân tự nghĩ và làm những gì có thể… Vì vậy, dù mới dọn về ở, nhưng với chủ nhân ngôi nhà này, họ đã có rất nhiều kỷ niệm.
Công trình: Nhà tổ tò vò
Thiết kế: Nguyễn Hải Long, Trần Thị Ngụ Ngôn, Nguyễn Anh Đức,
Trịnh Thanh Tú, Nguyễn Thị Thúy
Công ty Tropical Space
Website: khonggiannhietdoi.com
Thi công: Nhân bản JSC
Hình ảnh Quang Trần
- Xem thêm: Ngôi nhà Sài Gòn nuôi dưỡng tình yêu