Khi cuộc sống khó khăn thì người ta mong được ăn no, mặc ấm, nhưng khi chất lượng cuộc sống được nâng cao, người ta nghĩ đến ăn ngon, mặc đẹp. Bên cạnh đó yêu cầu về tổ ấm của mình cũng đòi hỏi cao hơn. Từ chỗ chỉ quan tâm đến vật liệu, nay mọi người bắt đầu quan tâm đến kiểu dáng thiết kế của căn nhà… và cao hơn nữa là yêu cầu về chiếu sáng. Trước đây chỉ cần sáng là đủ, nay đòi hỏi phải đẹp, tạo được không gian sống sinh động, phải sang trọng… Thật vậy chiếu sáng rất quan trọng, chiếu sáng đúng có thể tạo cảm giác dễ chịu, làm cho ngôi nhà đẹp hơn, thậm chí còn làm cho người sống trong đó tươi tắn hơn. Dưới đây là một số vấn đề liên quan đến bố trí ánh sáng trong nhà của bạn, có thể nhiều người chưa biết đến.
Ánh sáng ban ngày
Nên tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên vào ban ngày để bạn không phải tốn điện khi trời còn nắng. Ngoài ra, nhờ dồi dào tia tử ngoại, ánh nắng mặt trời còn khử trùng cho căn nhà của bạn. Nếu có thể được, nên ưu tiên cửa sổ để đón nhận ánh sáng mặt trời cho nhà bếp, phòng tắm, phòng ngủ trẻ em, phòng ngủ. Tuy nhiên cần lưu ý rằng trong nhà nếu nơi nào ban ngày chan hòa ánh nắng thì vào buổi tối cần nhiều đèn chiếu sáng hơn.
Phòng trẻ em
Do có điều kiện, nhiều gia đình có phòng riêng cho con mình với đầy đủ phòng ngủ, phòng chơi có góc học tập… nhưng lại bố trí chiếu sáng ấm cúng như của người lớn. Thật ra phòng trẻ em cần phải sáng trưng để có thể đọc sách ở bất cứ chỗ nào. Một nguồn sáng chung nhưng không chói với màu trắng ngà (4.000K) phù hợp hơn đèn downlight halogen.
Phòng tắm
Phòng tắm không chỉ nhằm mục đích vệ sinh như trước kia mà nay được coi là nơi thư giãn nghỉ ngơi không kém phần quan trọng so với phòng ngủ. Ngoài việc tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, phòng tắm cần được chiếu sáng đầy đủ với ánh sáng trung thực, nhất là khu vực gương soi. Đèn trong phòng tắm được tắt mở liên tục, trong môi trường ẩm, cho nên cần chọn đúng loại để tránh gặp trường hợp mở đèn, rửa tay xong đi ra thì đèn mới sáng…
Bếp và phòng ăn
Cũng như phòng tắm, bếp cần có nhiều ánh sáng tự nhiên vào ban ngày và đồng thời phải đủ sáng để nấu ăn. Bếp tối thì dễ tạo cảm giác mất vệ sinh, đồng thời làm cho người nội trợ dễ mệt mỏi. Bếp phải sáng nhưng phòng ăn cần ấm cúng. Nếu bàn ăn để trong nhà bếp hoặc cạnh bếp thì cần có hai nguồn sáng khác nhau, nguồn sáng khi nấu ăn và nguồn sáng khi ăn. Ánh sáng cho bàn ăn nên là ánh sáng ngà (3.500 – 4.000K) hoặc ấm (2.700K), có độ trung thực màu cao (Ra > 90) thì thức ăn sẽ hấp dẫn hơn.
Phòng ngủ và phòng khách
Không có nguyên tắc nào cho chiếu sáng phòng ngủ và phòng khách. Đây là hai nơi mà ánh sáng phụ thuộc vào thói quen và sở thích của người ở trong đó. Có khi phòng thật sáng với nhiều nguồn sáng chiếu sáng chung, hoặc thật ấm cúng với đèn rọi cục bộ hoặc đèn bàn, đèn sàn. Nên dùng ánh sáng gián tiếp phản xạ từ trần hoặc tường, có thể điều chỉnh độ sáng được. Hệ thống điều khiển cần phối hợp chặt chẽ với các loại đèn khác nhau để có thể thay đổi ánh sáng khác nhau, tạo không gian cho những sinh hoạt khác nhau
Đèn trang trí
Đèn trang trí là một thành phần của nội thất, làm tô điểm, trang trí cho ngôi nhà. Kiểu dáng của đèn trang trí rất quan trọng vì nó phải phù hợp với không gian nội thất chung. Bạn đừng quá quan tâm đến mức độ chiếu sáng của đèn trang trí, vì chức năng chính của đèn trang trí là để trang trí chứ không phải là chiếu sáng.
Đèn kiến trúc
Cung cấp ánh sáng trong nội thất là chức năng của đèn kiến trúc, đó là các loại đèn downlight, đèn rọi, đèn huỳnh quang trong khe trần, vách… Ngược với đèn trang trí, bạn không nên quá quan tâm đến kiểu dáng và kích thước của đèn kiến trúc mà cần chú ý đến loại ánh sáng và hiệu quả chiếu sáng của nó. Đèn kiến trúc phải đủ sáng mà không chói, thấy ánh sáng mà không thấy đèn.
- Bài Cao Trần
Địa chỉ: 23 Trần Phú, P.4, Q.5, TP.HCM. ĐT: (08) 38333334
299 Trung Kính Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
Website: http://www.cara.com.vn