Công trình BES pavilion từ khi ra đời đã điểm thêm một nốt son kiến trúc giữa khu phố trung tâm nhưng yên bình của thành phố Hà Tĩnh. Một bản hòa ca mộc mạc mà khác lạ, nổi bật lên hẳn so với những công trình lân cận.
BES pavilion được xây dựng với chức năng một nhà cộng đồng mở, phục vụ những sự kiện thiên về văn hóa nghệ thuật tại Hà Tĩnh. Là một không gian đa năng, nơi này có thể được dùng để tổ chức triển lãm, những buổi thảo luận… đồng thời là không gian cà phê. Tên gọi của nhà cộng đồng này gắn với hình ảnh thực tế công trình, theo đó BES gồm ba từ: bamboo – tre, earth – đất và stone – đá, những loại vật liệu xây dựng phổ biến nhất của nước ta nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Công trình được thi công quanh ba loại vật liệu chính này, dựa theo phương thức dân gian kết hợp với những kiến thức của kiến trúc hiện đại.
Trên diện tích nền 18m x 13m với tổng diện tích sử dụng là 123m2, BES tọa lạc tại một góc đường và gây được ấn tượng thị giác đặc biệt bởi gam màu đỏ của đất, màu vàng óng của tre, đan xen những mảng xanh cây cỏ. Công trình gồm một nhóm các nhà trệt nhỏ, được sắp xếp tự do xung quanh mảnh vườn trung tâm, nhằm khai thác triệt để các góc nhìn cũng như tăng cường sự tương tác giữa ánh sáng và bóng tối; tạo ra sự giao thoa trong – ngoài từ việc sắp xếp một cách đặc biệt những khối nhà không theo quy luật nào nhưng có chủ ý của kiến trúc sư. BES bao gồm năm khối nhà sinh hoạt cộng đồng, phần còn lại là bếp và khu vệ sinh. Những mảng tường đất đỏ mà người dân địa phương gọi là đất Biên Hòa (còn có tên kỹ thuật là K97) được thi công đúng kỹ thuật trình tường truyền thống, có một ít cải tiến là sử dụng hệ thống cốp-pha ốp bên ngoài có tác dụng như một chiếc khuôn để định hình bức tường nhanh chóng, sau đó dùng chày gỗ đầm đất thật chặt. Tre tham gia công trình không chỉ để làm mái che, cửa hoặc sàn mà còn trở thành yếu tố trang trí đắc lực, tạo vẻ đẹp quyến rũ. Sự kết hợp của ba chất liệu đặc trưng này tạo nên hình ảnh khỏe khoắn, thô mộc và đầy tính biểu cảm cho BES.
Trong quá trình nghiên cứu để hoàn thiện bản thiết kế công trình, các kiến trúc sư không bỏ qua yếu tố khắc nghiệt của thời tiết vùng Bắc Trung bộ. Từ đó, phần mái xòe rộng ra bốn phía để hạn chế mưa xối vào cạnh trên của tường là vị trí cần được che chắn. Thân tường bằng đất dày 40cm có thể chịu được nắng, độ ẩm và nước mưa, giúp đạt được hiệu quả “đông ấm hè mát”. Nguy cơ bão và gió lốc gây tổn hại đến công trình cũng được tính trước, và được thể hiện qua hệ giằng bê-tông, kết hợp dây cáp và tăng-đơ chắc chắn. Để đảm bảo thông gió tự nhiên, tán xạ ánh sáng và tạo môi trường tốt cho thực vật phát triển, các khối nhà được thiết kế như những họng hút gió thông nhau, nhờ vậy không khí trong toàn bộ công trình luôn lưu thông; hơn nữa các cánh cửa xoay còn giúp đưa gió vào bên trong, và các khối nhà được sắp đặt sao cho đem đến một hiệu ứng ánh sáng thật thú vị.
Trong quá trình đô thị hóa hiện nay, các công trình đang có xu hướng bê-tông hóa. BES đã góp phần giúp cho cộng đồng dân cư bản địa nhận thức lại cách xây dựng nhà ở với vật liệu thân thiện môi trường. Đây cũng chính là mục tiêu của công trình khi đặt người sử dụng ở vị trí trung tâm trong tạo dựng không gian.
- Ảnh Trần Tuấn Trung – Trần Ngọc Phương
Thiết kế kiến trúc: KTS Đoàn Thanh Hà (ĐT: 0983600606) và KTS Trần Ngọc Phương
H&P Architects – tầng 2, tòa nhà B8-TT18, khu đô thị Văn Quán, TP. Hà Đông, Hà Nội.
Website: www.hpa.vn
Nhà thầu xây dựng: HPA Vietnam JSC