Bạn vừa lên kế hoạch sẽ đi du lịch vào thời gian tới? Bạn vừa chọn cách có khả năng chi tiền đổi lấy nhiều hạnh phúc nhất đấy.
Kế hoạch du lịch to tát của bạn có vẻ là một sự hoang phí. Lúc về thì bạn còn gì ngoài vài bức ảnh trong điện thoại và một vài kỷ niệm? Thay vào đó, nếu dùng số tiền đó để mua một cái TV, bạn sẽ có thể xem nó mỗi ngày.
Tuy rằng điều đó có vẻ giá trị hơn, nhưng có một điều đã được khẳng định rằng những trải nghiệm sẽ có thể tạo ra hạnh phúc nhiều hơn là của cải vật chất.
Kể từ lần đầu tiên được hai nhà tâm lý học Tom Gilovich và LeafVan Boven phát hiện vào năm 2003, các nhà nghiên cứu tiên phong đã kết nối các hoạt động trước và tiến hành nhiều nghiên cứu mới để tìm ra lý do: vì sao trải nghiệm lại có thể khiến chúng ta hạnh phúc hơn của cải vật chất?
Dưới đây là 7 lý do đã được các nhà khoa học xác định:
1. Chúng ta nhìn thế giới qua một lăng kính màu hồng
Trải nghiệm sẽ tốt hơn những món đồ vật chất bởi cái mà các nhà tâm lý học gọi là “sự tái suy diễn tích cực” (positive reinterpretation) hay theo cách nói đời thường của tôi và bạn là “nhìn mọi thứ qua lăng kính màu hồng”.
Nếu bạn mua phải một món hàng kém chất lượng, chẳng hạn như một đôi giày khiến bạn bị đau chân hay một bộ đồ khiến bạn trông béo ục ịch, bạn sẽ mắc kẹt với suy nghĩ rằng bạn đã đưa ra một quyết định tồi tệ.
Đôi giày sẽ luôn luôn khiến bạn đau. Nhưng những trải nghiệm thì không như thế. Bạn có thể tự khiến chúng có vẻ tốt đẹp hơn trong tâm trí mình.
Để kiểm tra điều này, các nhà tâm lý học tìm đến một số người dành kỳ nghỉ của mình cho việc đạp xe ở California.
Họ phát hiện ra rằng trong số những người đạp xe thì kể cả những người đã có một trải nghiệm tồi tệ – như là đạp xe vào ngày trời mưa – thì vẫn có một khoảng thời gian thực sự vui vẻ.
Sau đó khi được hỏi lại thì thay vì cho rằng ngày mưa hôm đó có thể là một việc khó chịu, và trong lúc đó thì quả đúng là vậy, họ vẫn tái suy diễn rằng đó là một trải nghiệm đáng giá.
2. Chúng ta dễ dàng mắc vào cái bẫy của sự buồn chán
Việc sở hữu của cải vật chất không khiến chúng ta hạnh phúc nhiều như ta tưởng bởi thứ ta gọi là sự thích nghi với chủ nghĩa hưởng thụ.
Điều này áp dụng cho bất cứ vật nào mới. Ban đầu, chúng ta cảm thấy phấn khích khi nghĩ đến một chiếc điện thoại di động mới – nhưng chúng ta dần thích nghi và quen với nó, và rồi dần dần nó không còn khiến ta vui vẻ như trước.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, sự thích nghi với chủ nghĩa hưởng thụ tác động mạnh đến vật chất hơn rất nhiều so với trải nghiệm. Chúng ta thích nghi với vật chất nhanh hơn rất nhiều.
Trong một nghiên cứu để kiểm định giả thuyết này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử trong phòng thí nghiệm với 355 người tham gia.
Mỗi người phải lựa chọn hoặc là trải nghiệm – như chơi điện tử, xem video hay nghe một bài hát – hoặc là một đồ vật có giá trị vật chất như một cỗ bài, một chiếc thước kẻ, một chùm chìa khóa hay một khung tranh.
Các nhà nghiên cứu theo dõi mức độ hạnh phúc với sự lựa chọn của mỗi người trong vài phút, một ngày, hai ngày, một tuần và cuối cùng là hai tuần.
- Xem thêm: Đi du lịch một mình
Bây giờ thì bạn có thể đang tự hỏi: ai lại có thể hạnh phúc với một cái thước kẻ cơ chứ? Nhưng hãy nhớ lại về những ngày đi học một chút, và những niềm vui bạn có được từ những phi vụ đập phá, uýnh lộn và… uhm, vẽ những đường thẳng chẳng hạn.
Cũng hãy luôn nhớ rằng có những lựa chọn khác, và kết quả của nghiên cứu vẫn thật rõ ràng: hạnh phúc có được từ cái thước kẻ, từ bộ bài hay chùm chìa khóa và khung tranh giảm đều đặn hơn nhiều so với hạnh phúc có được từ những ván điện tử, video và những bài hát.
3. Thật khó để so sánh những trải nghiệm với nhau
Chọn giữa những cái ôtô hay máy tính hay túi xách khác nhau cũng chẳng khác là mấy so với chọn giữa quả táo này với quả táo khác. Cân đo đong đếm trải nghiệm có tính chủ quan hơn nhiều.
Và cũng bởi thật khó để so sánh những trải nghiệm ta có, bạn sẽ ít bận tâm đến việc liệu bạn đã đưa ra lựa chọn tốt nhất hay chưa, cũng ít hối hận với lựa chọn của mình về sau, và ít dằn vặt về việc lựa chọn của bạn có thể hàm ý gì về địa vị. Điều này cũng có nghĩa là trải nghiệm ít làm bạn căng thẳng hơn và sản sinh nhiều hạnh phúc hơn.
Glovich đã giải thích điều này rất xác đáng. “Hãy tưởng tượng bạn mua một cái TV màn hình phẳng siêu mỏng. Bạn đến nhà tôi, và tôi có một chiếc lớn hơn, hình ảnh sống động rõ nét hơn. Hẳn bạn sẽ thất vọng”.
Nhưng hãy tưởng tượng bạn đang tận hưởng kỳ nghỉ ở Caribbean, và rồi bạn biết được rằng tôi cũng đang nghỉ ở đó, và chuyến đi của tôi nghe có vẻ sướng hơn của bạn. Nó có thể làm bạn buồn một chút – nhưng nó không giống với nỗi buồn kia.
4. Sự kỳ diệu của cảm giác “phiêu”
“Phiêu” (Flow) là trạng thái tinh thần mà bạn gặp khi bạn đang rất thoải mái tập trung vào bất cứ công việc nào mà bạn đang làm. Lý thuyết về “Phiêu” lần đầu tiên được phát hiện bởi nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi.
Trong ngôn ngữ của các vận động viên, họ gọi đây là “vào phong độ” (in the zone). Còn nhà tâm linh Eckhart Tolle gọi nó là “trong giây phút hiện tại”. Bất kể bạn gọi nó là gì, “phiêu” là cảm giác cần thiết cho hạnh phúc.
Trong nghiên cứu dẫn đến học thuyết này, Csikszentmihalyi đã đưa máy nhắn tin cho 75 thanh thiếu niên và sử dụng máy nhắn tin với họ vào những thời điểm ngẫu nhiên để hỏi xem họ đang làm gì và họ cảm thấy như thế nào.
Hầu hết những câu trả lời đều điển hình cho nét tính cách của lứa tuổi thanh thiếu niên: phần lớn thời gian họ cảm thấy buồn chán.
Nhưng khi Csikszentmihalyi quan sát kỹ càng hơn các dữ liệu, ông phát hiện ra rằng những thanh thiếu niên cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ đang nhận vào một nhiệm vụ đầy thách thức nào đó, như đang cố gắng để giải quyết một vấn đề hay chơi thể thao.
Nếu bạn muốn tự kiểm chứng tại sao trải nghiệm lại hiệu hơn so với của cải vật chất trong việc giúp ta đạt đến trạng thái “phiêu” – và từ đó là đạt được hạnh phúc, hãy thử một so sánh: Bạn “phiêu” dễ hơn khi đang tập trung vào một cái ghế hoặc một đôi giày, hoặc hay khi đang tập trung chơi tennis, hát trong một dàn hợp xướng, hay đang quay cuồng với một con cá mập dài đến 3,15m?
5. Chờ đợi (những trải nghiệm) là hạnh phúc
Trải nghiệm xứng đáng hơn so với của cải vật chất vì bằng một cách kỳ diệu nào đó, nó cho ta cảm giác háo hức khi được chờ đợi.
Đối với những món đồ vật chất, chờ đợi thực sự khiến người ta phát điên – đó là lý do tại sao các nhà bình luận xã hội như tôi có thể sử dụng những thuật ngữ như “sự hài lòng tức thời” và cũng là lý do tại sao chúng ta đều sẵn sàng trả nhiều hơn để được giao hàng trong ngày.
Đối với trải nghiệm thì không như vậy. Thay vào đó, chờ đợi một trải nghiệm có thể mang đến niềm hạnh phúc lớn lao.
Để kiểm nghiệm ý tưởng này, Gilovich cùng một vài cộng sự, Amit Kumar và Matthew Killingsworth, đã liên lạc với 2.266 người – những người đã tải về một ứng dụng gọi là Track Your Happiness (Theo dõi mức độ hạnh phúc của bạn).
Tiếp theo, trong khoảng thời gian ngẫu nhiên, họ yêu cầu những người tham gia trả lời năm câu hỏi:
- Một, họ có hạnh phúc không?
- Hai, họ có đang nghĩ đến việc mua một cái gì đó không ?
- Ba, đó sẽ là một món hàng hay một thứ mang lại trải nghiệm?
- Bốn, chờ đợi thứ đó có dễ chịu không?
- Năm, khoảng thời gian chờ đợi đó khiến họ hạnh phúc hay khiến họ mất hết kiên nhẫn?
Sau khi phân tích kết quả, họ phát hiện ra rằng những người đang chờ đợi trải nghiệm thì thấy khoảng thời gian đó dễ chịu hơn, họ cũng cảm thấy phấn khích và hạnh phúc hơn.
6. Trải nghiệm làm nên con người
Trải nghiệm ưu việt hơn so với vật chất bởi dường như, chúng ta nghĩ về chúng như những thành tố cấu thành nên chúng ta. Hầu hết mọi người cho rằng, mất đi ký ức về một trải nghiệm tồi tệ hơn rất nhiều do nhận thức về danh tính của họ.
Trong một thí nghiệm, Carter và Gilovich yêu cầu những người tham gia làm hai việc. Một, viết ra một danh sách những món đồ và trải nghiệm mà họ đã từng mua.
Và hai, viết một câu chuyện ngắn về việc họ là ai và làm thế nào để họ trở thành người như ngày hôm nay. Carter và Gilovich khyên họ nên đưa ít nhất một thứ trong danh sách họ viết ra vào trong câu chuyện của họ.
Không nằm ngoài dự đoán, mọi người đưa vào câu chuyện những trải nghiệm của mình nhiều hơn là những món đồ họ đã liệt kê ra.
Hãy tự thực hiện thí nghiệm này với bản thân điều này. Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn làm một việc gì đó – như đi đến một buổi hòa nhạc, một lớp yoga hoặc một bữa tiệc hóa trang.
Chẳng phải là mỗi trải nghiệm ấy bằng cách nào đó đã kiến tạo nên con người bạn – hơn là so với thứ cuối cùng mà bạn đã mua? Và, nếu bạn phải từ bỏ một món đồ hay một trải nghiệm, bạn sẽ từ bỏ điều gì?
Liệu bạn có muốn xóa đi ký ức của mình về bữa tiệc mừng ngày tốt nghiệp hoặc ngày cưới của mình, hay bạn thà cho đi những bộ quần áo cử nhân và bộ trang phục bạn mặc trong ngày cưới?
7. Chúng ta là con người của xã hội
Con người là những sinh vật xã hội. Chúng ta thích những cái ôm. Chúng ta muốn được lắng nghe. Và chúng ta thích cảm giác được thuộc về một nơi nào đó.
Điều này có nghĩa là những trải nghiệm có khả năng làm chúng ta hạnh phúc hơn so với của cải vật chất, vì chúng đưa đến gần nhau hơn.
Một trong những lý do là bởi trải nghiệm khiến chúng ta giao tiếp với nhau nhiều hơn là đồ đạc vật chất. Bạn dường như hạnh phúc hơn còn tôi biết lắng nghe hơn khi bạn nói về những gì bạn đã cố gắng vươn lên nhiều hơn là những gì bạn đang có.
Trong một nghiên cứu để kiểm tra giả thuyết này, Van Boven, Gilovich, và một nhà tâm lý học khác tên là Margaret Campbell, đã tiến hành một buổi hẹn hò nhanh, một thí nghiệm “làm quen” – với một vài quy định cụ thể.
Một số được yêu cầu chỉ được nói về những món đồ mà họ mới mua gần đây. Số còn lại được yêu cầu chỉ được nói về những trải nghiệm mà họ mới có gần đây.
Sau đó, tất cả họ được bí mật hỏi xem họ thích đối phương và thích cuộc trò chuyện đến mức nào. Những người tham gia phản ánh rằng họ thích những cuộc trò chuyện và đối phương hơn khi đối phương nói về trải nghiệm của họ.
Một lần nữa, hãy tự hỏi bản thân mình xem: bạn sẽ thích nghe tôi nói cho bạn nghe về chiếc ghế mà tôi đang ngồi trong khi viết bài viết này, hay muốn nghe về những điều tôi đã làm vào cuối tuần qua?
Vì vậy, lần sau, khi phải đối mặt với lựa chọn nên mua sắm gì, đừng mua một món đồ. Hãy mua một trải nghiệm.
Những phép màu mà trải nghiệm mang đến đều đã được khoa học chứng minh: trải nghiệm cho phép bạn nhận thức mạnh mẽ hơn về bản thân bạn, đưa bạn đến gần mọi người hơn, và khiến bạn hạnh phúc hơn.