Nhiều người rất dị ứng với… nhà dưỡng lão, cho rằng ai vào đó đồng nghĩa với bị thân tộc gia đình con cái ruồng bỏ. Đã vào nhà dưỡng lão là coi như một sự… “sỉ nhục” con cháu.
Nhưng chuyện ấy xưa rồi. Nhiều người nhìn cảnh ở các bệnh viện mà sợ, con cái chăm cha mẹ nằm viện đau lâu ốm dài, hết sạch tiền của, kiệt quệ luôn sức lực (và do đó… cạn hết cả tình) của con cháu.
Vậy là mơ ước, có cách gì để “rút ngắn đoạn cuối tệ hại” của người già, trở nên cấp thiết. Từ chỗ chê nhà dưỡng lão, nay nhiều người ao ước.
Lý lẽ được đưa ra là các nước Âu – Mỹ tiên tiến mới nghĩ ra được thứ nhà hay như thế, là sản phẩm của xã hội văn minh. Già, khi không thể tự lực được nữa, con cháu đi làm đi học “chiến đấu gay go với đời”, mình không muốn làm gánh nặng nữa. Thời thế cuộc sống căng thẳng không cho phép ai bỏ công việc để chăm cha mẹ già. Vậy miễn đi cái lời bàn “bất hiếu”. Là vì, đứa có hiếu bây giờ không còn khả năng làm tròn mọi sự nữa rồi. Trên đầu có hai bậc “lẩm cẩm, nhớ nhớ quên quên, ăn rồi bảo chưa ăn”. Bên dưới có hai quý tử “ngốn tiền”: Ăn ở, học hành, trường nọ trường kia, lo không xuể. Cuộc sống căng thẳng tột độ. Nhà dưỡng lão có cái tên khoa học y tế hẳn hoi: Nursing house. Chẳng có gì mà dị ứng hay mặc cảm.
Cho nên, Âu – Mỹ văn minh, dù người già 65 tuổi trở lên ở Mỹ hầu như dịch vụ y tế được chính phủ đài thọ hết (cha mẹ đau yếu không là gánh nặng tài chính cho con cái), có hệ thống nhà dưỡng lão, họ còn nghĩ ra “nhà tiền chết” (mobile home).
Tưởng ghê gớm thế, nhưng cũng “lòi ra” nhiều chuyện giật mình. Ví dụ như, có nơi bỏ mặc không chăm sóc, cấm kêu la, thậm chí có khi bị đánh mà người già lẫn không biết gì chống đỡ. Còn giật mình hơn khi báo chí Mỹ phanh phui: có tới 1.000 nhà dưỡng lão có người già bị… lạm dụng tình dục. Thật đáng ghê sợ quá.
Vì vậy, người ta tiến lên một bước, khẩu hiệu bây giờ nghe rất lạ, đó là già không vào viện dưỡng lão. “Đừng nhấc bố mẹ già khỏi nơi chốn quen thuộc”. Vậy là sao? Họ cho rằng viện dưỡng lão từng là giải pháp nhưng không phải tối ưu. Có người còn nói viện dưỡng lão đã đi vào kết thúc, thậm chí là… “một thất bại”.
Bây giờ họ muốn xây dựng một cách làm mới, không bắt người già rời nhà mình đi đâu cả. Người già vẫn sống ở nhà mình, nhưng giữa môi trường có cộng đồng. Gọi là mô hình một cửa “One-stop-shop”, giúp cho người già có thể giúp bản thân mình, sống ở nhà mình giữa cộng đồng. Thật là ý tưởng tuyệt vời. Thay vì phải bỏ hết cuộc sống quen thuộc, đến ở tập trung nơi khác thì nay họ được giúp có thể sống ngay giữa ngôi nhà của mình. Chẳng hiểu rồi họ sẽ tổ chức thế nào, chúng ta chưa thể hình dung.
Chao ơi, đúng quá. Ở xứ ta thiếu gì con cái dắt nhau ra phố lập nghiệp, rồi “bứng” cha mẹ già đi theo. Phải bỏ cuộc sống quen thuộc giữa làng quê, lên phố giữa bốn bức tường, cửa khóa kín, ăn cũng khác, ngủ cũng khác, chẳng quen ai. Nhiều cụ không chịu được, đòi về, “có cho kẹo cũng không lên phố nữa. Hú vía”.
Vậy mới thấy “Tây họ hay”. Bây giờ ta giác ngộ, mơ… nhà dưỡng lão thì họ đã tiến xa rồi. Mà nói nghe này, ở ta, mơ nhà dưỡng lão cũng là giấc mơ… xa xỉ. Tiền nộp cao ngất. Chí ít cũng 7, 8 triệu đồng một tháng, lấy đâu ra? Lương hưu sao đủ mà nộp? Nơi “VIP”, ở kiểu biệt thự có giá 20 triệu đồng nữa kìa. Chắc chỉ hóng từ các nhà giàu muốn đưa cha mẹ vào cho rảnh. Còn con nghèo thì thôi chịu. Ở đó mà dám chê nhà dưỡng lão à? Giờ mơ cũng khó.
Trong khi thế giới người ta tiến đến đâu rồi?