Isla del Sol chỉ là một hòn đảo nhỏ nằm trong hồ Titicaca, nhưng lại có đến hơn 80 tàn tích của văn hóa Inca trong khoảng từ thiên niên kỷ III trước Công nguyên cho đến thế kỷ XV .
Tín ngưỡng của người Inca cũng cho rằng thần Inti được sinh ra tại nơi này. Chính vì thế, người ta mới gọi tên hòn đảo là Isla del Sol, tức “Đảo Mặt trời”.
Xét trên mặt địa hình và địa chất, Isla del Sol là một hòn đảo khắc nghiệt, lắm đồi dốc và cằn cỗi. Ngay cả trong thế giới hiện đại, nó vẫn chưa có đường trải nhựa hay xe cơ giới.
Mặc dù vậy, hiện nay trên đảo vẫn có khoảng 800 hộ dân đang sinh sống. Họ chủ yếu sinh cư bằng nghề nông nghiệp, ngư nghiệp và du lịch.
Chứa đựng truyền thuyết về vị vua đầu tiên
Diện tích của Isla del Sol rơi vào tầm 14,3km2. Nhưng dẫu chỉ nhỏ bé như thế, hòn đảo này vẫn chứa đựng đến hai truyền thuyết nổi tiếng.
Thứ nhất là truyền thuyết về sự ra đời của Manco Cápac, vị vua đầu tiên của người Inca. Nó hao hao với sự xuất hiện của Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân (Trung Quốc).
Đó là một ngày, mỏm đá sa thạch khổng lồ Titi Qala chợt bị bật tung đỉnh. Và từ trong lòng nó, Manco Cápac, con trai của Inti, vị thần Mặt trời, đứng dậy, trở thành vị vua đầu tiên dẫn dắt người Inca.
Trên thực tế, tên của Manco Cápac có được ghi chép trong biên niên sử Inca, là khởi đầu cho lịch sử của tộc người này. Tuy nhiên, chuyện ông sinh ra ở đâu, lớn lên như thế nào thì vẫn còn là một ẩn số.
Truyền thuyết thứ hai liên quan đến sự ra đời của thần Mặt trời. Nó kể rằng vào thuở hồng hoang không hề có ánh sáng.
Con người bị vây hãm bởi bóng tối hoàn toàn. Vì thương xót họ nên Mặt trời mới rời khỏi mỏm Titi Qala, ban phát ánh sáng khắp các ngả.
Thế nên Tupac Inca Yupanqui, vị vua thứ 10 của người Inca, đã ra lệnh xây một ngôi đền thờ tại chính tảng đá này để bày tỏ lòng biết ơn tới thần Inti.
Ông cũng cho tạo lập thêm các công trình kiến trúc liên quan khác, trong đó có một nhà nguyện dành riêng cho các nữ tu và một nhà khách để phục vụ các tín đồ hành hương.
Có thể đã sớm phát triển công nghệ tàu thuyền
Phân tích các di vật được tìm thấy ở Isla del Sol, ngành khảo cổ phát hiện di vật cổ nhất có niên đại từ khoảng năm 2200 trước Công nguyên.
Một số di vật còn có nguồn gốc từ hẻm Colca, vùng Arequipa của Peru nữa. Nó cho thấy đã có sự trao đổi giữa cư dân cổ đại từ hai vùng này.
Có điều, không hề có con đường nào nối liền giữa Isla del Sol và các vùng đất xung quanh. Độ sâu của hồ Titicaca lên tới 200m (và có thể còn sâu hơn nữa).
Vào khoảng năm 3100 trước Công nguyên, độ sâu của hồ này có phần thấp hơn, nhưng vẫn rơi vào tầm 85m.
Còn ở khoảng năm 2000 trước Công nguyên, nó đã xấp xỉ độ sâu của ngày nay, tức trung bình là 107m, còn tối đa là 281m.
Làm thế nào người Inca trên đảo Isla del Sol hoàn toàn biệt lập giao thương với bên ngoài? Các nhà khảo cổ cho rằng họ đã sớm phát triển công nghệ tàu thuyền để tiện bề đi lại.
Suốt từ khoảng năm 2200 trước Công nguyên cho đến nay, Isla del Sol vẫn luôn có người sinh sống. Trước thế kỷ XV, họ chủ yếu tập trung ở phía tây của hòn đảo.
Tại phía tây này, người Inca xây dựng được một khu định cư lớn là Tiwanaku. Trong Tiwanaku cũng bao gồm cả các địa điểm thực hành nghi lễ và cung điện.
Chincana – bằng chứng của sự mở mang về phía bắc
Mặc dù ngành khảo cổ tìm thấy bằng chứng cho sự hiện diện của con người ở trên Isla del Sol từ năm 2200 trước Công nguyên, nhưng hầu hết các di tích, di vật được tìm thấy đều thuộc về thế kỷ XV, thời kỳ hưng thịnh nhất của Đế chế Inca, dưới sự trị vì của Topa Inca Yupanqui.
Tupac Inca Yupanqui trị vì trong khoảng 1471-1493. Ông nổi tiếng là vị vua có công mở mang bờ cõi của người Inca sang phía bắc, tạo ra một khu định cư mới là Chincana.
Trung tâm của Chincana chính là Cung điện Inca (Pilco Kayma) rộng rãi. Tất nhiên, nó là nơi mà người đứng đầu đất nước, tức là Tupac Inca Yupanqui, ở.
Ngày nay, dấu tích của cung điện này vẫn còn khá rõ nét. Nó có thể đã từng là một tòa nhà hai tầng bằng đá, cao chừng 13 – 15m, có sân vườn rộng lớn và cả đài phun nước nữa.
Đến Isla del Sol bây giờ, Pilco Kayma trong mắt bạn là những bức tường đá và cửa ra vào nằm trên một sườn dốc của hòn đảo. Trong khu phức hợp của các tàn tích cổ này, người ta còn tìm thấy một cái giếng nhỏ.
Và mặc dù giới khảo cổ gọi Pilco Kayma là cung điện, họ cũng không dám chắc nó có thật sự là “cung điện” như chúng ta vẫn nghĩ hay không. Thêm vào đó, cái tên “Chincana” còn có nghĩa đen là “nơi mà một người bị lạc”.