Vào ngày 4-7 vừa qua, giới mộ điệu thiết kế đã có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ thú vị từ nhà thiết kế Naoto Fukasawa trong lần đầu tiên ông đến Việt Nam tại buổi hội thảo do Eurasia Concept tổ chức tại The Reverie Saigon. Trên số báo này, Nội Thất cũng sẽ giới thiệu đến độc giả những thông tin thú vị về nhân vật này.
Nhà thiết kế Naoto Fukasawa được biết đến như một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho nền thiết kế đương đại Nhật Bản.
Những tác phẩm do ông thiết kế đã truyền cảm hứng cho nhiều công ty công nghệ hàng đầu, bao gồm cả Apple và Hewlett-Packard. Nhiều tác phẩm với những ý tưởng sáng tạo táo bạo của ông được lựa chọn trưng bày tại những bảo tàng lớn trên thế giới.
Fukasawa cũng ảnh hưởng đến các nhà thiết kế trẻ. Ông là giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Nghệ thuật Tama, Trường Đại học Tokyo và đồng thời là giám đốc tại bảo tàng 21_21 Design Sight nổi tiếng tại Nhật Bản.
Ông còn là chủ nhân của nhiều giải thưởng danh giá như Good Design năm 2013 cho mẫu ghế kiệt tác Hiroshima, hay Isamu Noguci – giải thưởng dành cho những cá nhân kế thừa đam mê sáng tạo, ý thức trách nhiệm toàn cầu cùng tinh thần giao lưu văn hóa Đông – Tây.
Các thiết kế của ông thường dễ nhận biết bởi những đường nét đơn giản, khiêm tốn nhưng đầy tinh tế. Sự kết hợp giữa lý trí và bản năng của ông là tiền đề để mỗi tác phẩm ra đời đều ẩn chứa những tâm tư, suy nghĩ theo một cách rất riêng của Fukasawa. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy ông hiếm khi sử dụng các góc vuông trong những thiết kế của mình.
Khi được hỏi ông điều gì gợi cảm hứng để ông tạo nên những sản phẩm độc đáo trong một nền công nghiệp ngập tràn sự đơn điệu, câu trả lời là “Tôi luôn ghi lại những điều khiến tôi cảm thấy vui vẻ và những thứ mang lại cảm giác bất ngờ. Và rồi tôi nghĩ xem tại sao chúng khiến tôi cảm thấy như vậy”.
Là người luôn tìm cách phá vỡ những tiêu chuẩn truyền thống, nhà thiết kế Naoto Fukasawa tự tin thoát khỏi xu hướng của đám đông và tìm ra lối đi của riêng mình.
Triết lý của ông tập trung vào việc quan sát hành vi của con người, ông thậm chí có thể dành ra hàng giờ để xem cách mọi người tương tác với những thứ rất quen thuộc trong đời sống hằng ngày, để từ đó tạo ra những sản phẩm không chỉ đáp ứng công năng mà còn có tính thẩm mỹ cao.
“Tôi không thích sáng tạo một thứ gì đó chỉ tồn tại trong thoáng chốc. Vậy nên mỗi một thiết kế của tôi phải có giá trị trường tồn cùng năm tháng”.
Quan điểm này thể hiện rõ trong từng tác phẩm nội thất B&B Italia, nơi ông ứng dụng những công nghệ cấp tiến trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm của thương hiệu để phát huy trọn vẹn với những thiết kế tiện dụng, thổi hơi thở mới mẻ vào cuộc sống hằng ngày.
Vẻ đẹp của các thiết kế nằm ở cách ông thể hiện bản thân qua các chi tiết. Các thiết kế của ông cũng tính đến yếu tố con người bằng cách thiên về cảm xúc hơn trí tuệ.
Trên thực tế, Naoto đã trở thành biểu tượng điển hình của một triết lý hành vi được gọi là thiết kế “không suy nghĩ”.
Đối với ông, một cách bản năng, người ta biết được đâu là thứ hiệu quả, và sẽ vô thức sử dụng những gì tiện lợi và có sẵn xung quanh để giúp bản thân cảm thấy thoải mái và hỗ trợ cho mình một cách tốt nhất.