Điểm cắm trại qua đêm, cũng là đích đến của chúng tôi, là một ngọn núi có độ cao trên 700m so với mực nước biển nhưng chỉ lưng chừng so với đồi núi nhấp nhô chung quanh.
Chiều hôm ấy lại mưa nên ngay khi còn chưa kịp dựng trại chúng tôi đã được tiếp đón bằng một “bữa tiệc” sương mù và mây trắng vần vũ các đỉnh núi xung quanh, chúng tôi chuẩn bị bữa BBQ buổi tối trong cái khung cảnh hư hư thực thực ấy.
Nhưng không chỉ có vậy, suốt cả hành trình là những điều thú vị mà nếu chỉ loanh quanh ở Sài Gòn, bạn sẽ chẳng hình dung được.
Điểm xuất phát của chúng tôi là một ngôi làng của người Draglai, thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa, nhưng suốt cả hành trình, chúng tôi cứ đi lại zíc zắc giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.
- Xem thêm: Khám phá dãy núi Hồng Lĩnh
Nhóm thiết kế tour gọi cung trekking này là “khám phá thung lũng đá”, nhưng thực ra đây không chỉ là một thung lũng mà có cả dòng suối đang mùa cạn, nước trong vắt, chảy từ tốn nhưng không kém phần ngoạn mục.
Tùy từng đoạn thắt lại hay mở ra, con suối để lộ những bãi đá lớn nhỏ, với những dòng chảy hiền hòa hay ồn ã. Những viên đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau theo trật tự của thiên nhiên, của dòng chảy các mùa lũ trước.
Suối Hàm Leo uốn lượn quanh co được coi là đường phân giới tự nhiên giữa Ninh Thuận và Khánh Hòa, đi men theo suối phải băng qua nhiều đoạn, lúc bờ bên này, khi bờ bên kia.
Hai bên bờ suối là rẫy, là rừng, là vài ngôi nhà canh rẫy chon von chót vót bên sườn núi. Thi thoảng lại gặp vài người dân địa phương đi rừng về, gùi trên lưng những bông hoa chuối, những buồng chuối trái to ú nu ú nần.
Dù không phải là cao điểm mùa bướm rừng, nhưng bướm vẫn là dấu ấn dọc hành trình – không quá nhiều nhưng vẫn đủ làm bước chân dập dờn để lòng lâng lâng câu hát được gợi lên từ chính hình ảnh thực tế: “nước khe cạn bướm bay lèn đá”!
Chẳng biết người lính ngày xưa hành quân xuyên Trường Sơn đã bị cảnh sắc thiên nhiên với “bướm bay lèn đá” chinh phục ra sao, nhưng với tôi, những hình ảnh này đủ để mình “say miền đất lạ”.
Và điều khiến tôi nhớ nhất trên cung đường này lại là đôi dép tổ ong và tiếng khục khục của mấy con gà trong chiếc giỏ mây của anh bạn Draglai dẫn đường.
Âm thanh lũ gà làm tôi cứ miên man với ý nghĩ, chúng sẽ trở thành bữa trưa hay bữa tối của mình!
Quả thực, bữa tối với thịt nướng và nồi cháo gà, trong cái lạnh se se của núi đồi Draglai chính là phần thưởng xứng đáng cho một ngày dài băng rừng lội suối hơn chục cây số.
Bãi cắm trại có một cái lán nhỏ của “chú Thanh”, khá tươm tất với chỗ tắm rửa, vệ sinh chỉn chu kín đáo. Đó cũng là cách mà người chăn bò trung niên đưa tiện nghi lên núi cho mình và chia sẻ với những kẻ ham mê rừng như chúng tôi.
Đã hơn năm năm chăn thả bò trên vùng núi đồi này, người đàn ông ấy không rõ có cô đơn không, nhưng cách mà ông niềm nở tiếp đón chúng tôi, cách mà con chó và con mèo của ông quấn quýt với những người khách lạ đem đến cho chúng tôi cảm giác thật ấm áp.
Và làm bạn với ông còn có cây đàn guitar để buổi tối hôm ấy, bài hát Giấc mơ chapi với cây đàn guitar vang lên giữa núi đồi Draglai là một trải nghiệm mà tôi nghĩ nó sẽ đi theo mình suốt phần đời còn lại.
Sáng hôm sau, trời trong và mây trắng nở tưng bừng trên các đỉnh đồi, tưởng chừng như đã có ai đó dọn sạch các đám sương mù là đà đêm qua để núi đồi sạch trong, để những thảm cỏ, vạt rừng ánh lên trong nắng sớm.
Trở về, thay vì đi theo lối cũ, chúng tôi luồn qua một đoạn rừng, xuống một con dốc đứng để trở lại ngã ba đường suối. Vẫn là dòng suối hôm qua nhưng cảm xúc lại rất mới mẻ. Điểm dừng ăn trưa dọc đường về cũng là bãi tắm của bọn trẻ địa phương.
Hòa vào đám nhóc con da nâu bóng đang nhảy ầm ầm từ các mỏm đá xuống suối, tôi có cảm giác như đang trở lại với tuổi thơ của mình những ngày nhảy cầu tre trên các kinh rạch miền Tây Nam bộ sau buổi học.