Đừng nghe họ… nói.
Cô vợ lên mạng xong quay ra tranh luận với chồng: “Mắc mớ gì không đồng ý với tranh luận của một ca sĩ lại quay ra “hại” người ta bằng cách bới chuyện biệt phủ, biệt thự rồi thề không nghe ca sĩ hát nữa? Theo em, ai sai trái sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của họ còn thì: đừng nghe showbiz nói nhưng vẫn cứ nghe họ hát, còn hơn nghe mấy ông bà hàng xóm gào thét karaoke”.
Chồng biết tính vợ và xưa nay ai dại gì đi tranh luận với… vợ, còn cãi cọ với vợ chỉ có từ thua trở lên. Chồng bảo: “Cãi nhau với đàn bà thì giống như cãi với mạng… xã hội; anh xin thua trước ngay từ đầu”. Vợ không chịu “tắt đài”: “Mạng xã hội là một cái chợ đủ loại người, ai cũng cho mình là đúng, em đố anh cãi cho ra phải trái phân minh. Người bảo cô ấy là nghệ sĩ, nghe nói xây nhà hát thì ủng hộ, có gì đáng để chửi người ta không? Mà đó là công trình đã được phê duyệt xây dựng lâu rồi nhé. Sự ủng hộ đó giống như ủng hộ của bác sĩ khi nghe xây bệnh viện, của thầy giáo khi nghe xây trường học chứ có khác gì?”. Chồng: “Nhưng chuyện này nhạy cảm lắm em ơi. Xây chi nhà hát ở nơi đang còn lắm vấn đề chưa được giải quyết, nước mắt người nghèo chưa ráo, căm giận của họ chưa nguôi. Cách nào đó nói năng như thế là thể hiện sự vô cảm trước nỗi đau người khác”. Thì đúng thôi. Nhưng một câu phát biểu thì làm gì mà hại đến uy tín lâu năm của một doanh nghiệp khiến họ phải gỡ hình ảnh đại sứ thương hiệu xuống kìa. Đến đây thì cả vợ cả chồng đều có vẻ… bí. Mà ngay trên báo chí và mạng xã hội cũng có những bình luận trái chiều, có vị luật sư bảo trang fanpage của doanh nghiệp đầy những lời đề nghị phải gỡ hình ảnh của cô nghệ sĩ – đại sứ, nếu không khách sẽ không mua sản phẩm nữa, lại có ý kiến luật sư khác, cho rằng phải xem lại hợp đồng bởi phát biểu của cô ấy chỉ là cảm xúc cá nhân, không liên quan vấn đề pháp lý…
- Xem thêm: Mạng xã hội – lạnh nhạt ảo, đau khổ thật
Cuối cùng thì hai vợ chồng chỉ thống nhất với nhau được điều này: Mạng xã hội đáng sợ quá đi thôi. Chả thế mà ông trùm Mark Zuckerberg từng lên tiếng: “Facebook đang được sử dụng để chia rẽ hơn là kết nối con người. Tôi mong được tha thứ”. Chắc hẳn ông ta đã biết rõ những cuộc ném đá trên phây, và cũng trên phây mới thấy chưa bao giờ con người dễ dàng buông ra những lời độc địa như ngày nay.
Vốn là dân đọc sách, cô vợ còn dẫn ra câu chuyện được gọi là “7 bước đi của lòng căm ghét” – do FBI của Mỹ nghiên cứu dựa trên các hành vi của những nhóm kiểu phát xít mới, có thể tóm tắt như sau: những người căm ghét tụ tập lại, tạo một bản sắc riêng (kiểu đầu trọc chẳng hạn) rồi dùng lời lẽ thóa mạ, phỉ báng, lăng nhục rồi đi đến hãm hại người ta theo cách phá hủy. Ôi chao, thế thì nên làm theo lời khuyên nào khi tham gia mạng xã hội? Theo câu các cụ ta xưa đã dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” chăng? Làm thế được không khi mà thời đại ngày nay có không ít các anh hùng bàn phím não chậm hơn tay? Chỉ cần tay ngoáy một phát chứ thời giờ đâu mà uốn lưỡi tới bảy lần?
– Theo DoanhnhanPlus.vn